Thị xã An Khê: Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng hoa chất lượng cao
15/08/2012 07:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Được triển khai từ năm 2009, với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng (790 triệu từ ngân sách Ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương, hơn 700 triệu từ kinh phí đầu tư phát triển khoa học công nghệ tỉnh Gia Lai, phần còn lại do nhân dân đóng góp), đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình trồng hoa trong nhà lồng ở thị xã An Khê đã mang lại thu nhập khá cao cho người dân nơi đây.
Hộ gia đình ông Phan Chứ- tổ 5, phường An Tân là một trong những hộ minh chứng rõ nét cho hiệu quả kinh tế từ mô hình này. Ông Chứ cho biết, gia đình ông được hỗ trợ gần 130 triệu đồng để xây dựng 1 sào hoa trồng trong nhà lồng, trong đó, nhiều nhất là hoa cúc với 4.000 hoa cấy mô, 3.600 cây hoa cẩm chướng, 2.400 cây hoa hồng ghép và hơn 1.300 cây hoa đồng tiền.
Riêng hoa hồng và cẩm chướng, với giá 1- 1,5 ngàn đồng/bông, hàng ngày cho ông thu nhập trên 300 ngàn đồng từ các mối kinh doanh hoa trên địa bàn thị xã, vào các ngày lễ thu nhập thậm chí còn cao gấp nhiều lần bởi sức mua tăng mạnh cộng với giá cả được đẩy lên cao hơn (7-8 ngàn đồng/bông). Đối với hoa Cúc, thường chỉ bán vào các ngày rằm, mỗi lần trung bình cũng được trên dưới 4 triệu đồng. Như vậy chỉ tính sơ sơ với một sào hoa đó, sau khi trừ đi chi phí, hàng năm lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng. Vì đã có kinh nghiệm trồng hoa từ trước cộng với được tập huấn, học hỏi kỹ thuật nhiều nơi nên hầu như ông không gặp khó khăn mấy khi tham gia mô hình này. Mới đây, ông đã đầu tư thêm 1,2 sào hoa hồng (được hỗ trợ 50% vốn) nhằm kiếm thêm thu nhập, vì theo ông hiện nay số lượng hoa được bán trên địa bàn chỉ đủ cung cấp khoảng 20% thị trường các huyện phía Đông. Thu nhập cao nhưng chi phí, công sức bỏ ra giảm nhiều so với trồng hoa thông thường bên ngoài nhà lồng. Điển hình, chi phí bón phân giảm gần 50% bởi bón phân trong nhà lồng đỡ bị bay hơi. Ngoài ra, nhà lồng với hệ thống tưới phun bán tự động và hệ thống điện chiếu sáng nhằm hạn chế các yếu tố môi trường bất lợi để hoa sinh trưởng, phát triển nên năng suất và chất lượng cũng cao hơn, đặc biệt là hoa hồng, càng ngày càng cho giá trị thương phẩm càng cao bởi số nhánh ngày càng nhiều, ông Chứ cho biết thêm. Không cho thu nhập cao bằng hộ gia đình ông Chứ, nhưng với hơn 60 triệu đồng lợi nhuận từ mô hình này hàng năm, đời sống của hộ gia đình ông Nguyễn Trường Thành ở thôn Tân Lập 2, phường Ngô Mây, thị xã An Khê khá hơn nhiều so với những năm trước đây. Ông Thành cho biết, khi mới tham gia mô hình này, gia đình ông gặp không ít khó khăn bởi trồng hoa cũng đòi hỏi khá nhiều kỹ thuật, đặc biệt là làm thế nào để hoa nở đúng ngày. Tuy nhiên, sau khi được tập huấn, đưa đi học hỏi kỹ thuật ở nhiều nơi, ông nắm vững dần, và giờ đây công việc đã quen thuộc và dễ dàng hơn, ông có thể kiểm soát được thời gian nở để đáp ứng cho các mối kinh doanh hoa trên địa bàn. Từ hiệu quả đó, hiện nay có khá nhiều hộ dân trên địa bàn tự chủ động bỏ tiền xây dựng nhà lồng trồng hoa cấy mô với qui mô vài trăm m2/hộ, nâng tổng số diện tích trồng hoa trên địa bàn lên 16 ha, tập trung chủ yếu ở các phường An Bình, An Tân, An Phú, Tây Sơn… với các loại hoa phổ biến như: hoa hồng, cúc, cẩm chướng, đồng tiền, ly ly… Điều đáng chú ý là các hộ trồng hoa tự phát này cũng học hỏi và áp dụng kỹ thuật từ các hộ trồng trước nên hầu như cũng không gặp khó khăn trong việc chăm sóc và tỷ lệ cây sống rất cao. Với lợi nhuận mang lại đó, trong tương lai, số diện tích trồng hoa cấy mô trên địa bàn thị xã tin rằng sẽ không dừng lại con số 16 ha như hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, ông An Vĩnh Tấn-Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết, về bản chất đây là mô hình trình diễn bước đầu của nền sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Sự thành công của mô hình khẳng định sự đúng đắn của chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời là cơ sở quan trọng góp phần vào việc thực hiện thành công chương trình sản xuất rau- hoa- quả chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Sắp tới, phòng sẽ tiến hành nhân rộng mô hình này ra các xã lân cận, đặc biệt thay dần những diện tích lúa, hoa màu không đạt hiệu quả góp phần thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn thị xã.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...