Lãi suất hạ nhưng doanh nghiệp không dễ vay vốn

13/08/2012 07:31 AM


Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có trên 3.600 doanh nghiệp nhưng quy mô nhỏ, quản trị yếu, năng lực tài chính, công nghệ hạn chế, dự án có tính khả thi không cao, thị phần thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp bộc lộ tất cả sự non yếu của mình và chặng đường sắp tới sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức.

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có trên 3.600 doanh nghiệp nhưng quy mô nhỏ, quản trị yếu, năng lực tài chính, công nghệ hạn chế, dự án có tính khả thi không cao, thị phần thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp bộc lộ tất cả sự non yếu của mình và chặng đường sắp tới sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Không kể các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp Gia Lai vẫn chật vật cầm cự chống đỡ với những bất lợi phát sinh từ nền kinh tế. Những “ông lớn” của tỉnh gần như “án binh bất động”.

Họ vẫn đấy nhưng chẳng có mấy hoạt động PR sôi nổi kiểu triển khai dự án này, chương trình nọ, sự kiện kia. Không ít dự án công trình ngay tại Pleiku “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay. Giá mủ cao su, cà phê nội địa và xuất khẩu giảm thấp đang làm đau đầu các doanh nghiệp sản xúất kinh doanh những mặt hàng này. Ngay cả dự án thanh lý trồng mới, phát triển ra nước ngoài cũng cầm chừng chậm chạp.
 

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khốn đốn: vốn tự có quá hạn chế trong khi vốn vay ngân hàng lãi suất cao duy trì trong thời gian dài, công nghệ lạc hậu, ít đơn hàng, hàng làm ra bán không chạy, giá nhân công, vật tư nguyên liệu tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường kém,… Có thể nói nhiều doanh nghiệp chưa tìm được lối ra và đường đi cho mình. Để tháo gỡ, tỉnh, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều giải pháp đã phát huy tác dụng, doanh nghiệp rất phấn khởi và đánh giá cao. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn quá nhiều.

Trước đây, vấn đề doanh nghiệp “kêu” nhất là vốn vay lãi suất cao và thiếu vốn. Về nội dung này, đại diện các doanh nghiệp Hoàng Anh-Gia Lai, Đức Long-Gia Lai, Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai đề cập khá nhiều tại cuộc họp tìm giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp được UBND tỉnh tổ chức vào tháng 6 vừa rồi. Sau mấy lần điều chỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của ngành, từ giữa tháng 7-2012, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai điều chỉnh lãi vay theo hướng giảm xuống dưới 15%/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, đến thời điểm này đã có 1.519 doanh nghiệp còn dư nợ tại các ngân hàng 15.361 tỷ đồng (54,4% tổng dư nợ) và đã có 769 doanh nghiệp được điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ về dưới 15%/năm. Các ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm xuống cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời với việc điều chỉnh lãi suất món vay cũ, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi sản xuất kinh doanh, các gói hỗ trợ nhiều trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sử dụng các dịch vụ tiện ích của ngân hàng, thanh toán qua ngân hàng, ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ. Một số ngân hàng cũng đã nới lỏng chính sách cho vay, dành cho khách hàng có nhu cầu sửa chữa, xây dựng  nhà, mua nhà,…

Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo VCB Gia Lai vừa có cuộc họp và đi đến quyết định sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay nếu tình hình cho phép. Ông Nguyễn Văn Cần-Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng này cho biết thêm, 100% món vay cũ đã về lãi suất dưới 15%/năm; và số cho vay mới lãi suất ngắn hạn điều chỉnh ở mức 12-13%/ năm. Đây cũng là ngân hàng đi đầu điều chỉnh lãi suất các món vay cũ và giảm thấp lãi suất đối với các món vay mới, so với các ngân hàng khác trên địa bàn. Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang duy trì lãi suất cho vay ngắn, trung- dài hạn khác nhau. Thấp nhất như VCB Gia Lai cho vay ngắn hạn là 12%/năm nhưng Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT thì 15%/năm, BIDV Gia Lai và Vietinbank Gia Lai là 13,5-14%/ năm,…

Điều đáng nói là tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo VCB Gia Lai cho biết có thể còn hạ lãi suất cho vay xuống dưới 12%/năm và có chính sách “rõ ràng” hơn, “cởi mở” hơn đối với khách hàng truyền thống, khách hàng thân thiết, khách hàng có bề dày uy tín, có dự án khả thi, hiệu quả, thực hiện sòng phẳng nghĩa vụ vay-trả đối với ngân hàng. Động thái này như là sự hưởng ứng tích cực từ sự chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn trong buổi làm việc với tỉnh mới đây.

Ông Nguyễn Thái Bình- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Gia Lai nói: Việc VCB hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ về dưới 15% và các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Nhờ chính sách này mà chúng tôi giảm nhẹ gánh nặng tài chính, thêm khả năng hoạt động trong điều kiện khó khăn.

Trong tình hình hàng hóa chậm tiêu thụ, tồn kho nhiều, thị phần sụt giảm, nhiều doanh nghiệp tung chiêu khuyến mãi câu khách, chúng tôi còn kiểm soát được tình hình là đã thành công. Lo cho công ăn việc làm của hàng trăm lao động trong thời buổi này là một thách thức rất lớn. Chúng tôi cũng hy vọng NH dành cho lãi suất thấp hơn như thông tin vừa mới công bố cũng như giải quyết vốn vay kịp thời, nhất là thời điểm chúng tôi chủ động nguồn hàng vào dịp tết.

Có một thực tế là thay vì trước đây lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thì nay một số doanh nghiệp lại ít thiết tha với việc vay vốn. Chung quy cũng vì nợ cũ còn đó, vay mới về sử dụng không hiệu quả thì chỉ có “ chết”. Có thể là tình hình còn chưa sáng sủa nên chưa thể bung ra làm ăn. Có thể do phương án/dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả không cao. Có thể công tác quản trị chưa tốt, công nghệ lạc hậu… Tất nhiên còn nhiều khó khăn nữa nhưng quan trọng nhất theo một cán bộ tín dụng-đó là gần như các doanh nghiệp dẫu muốn vay lại, vay thêm nhưng đã không còn tài sản thế chấp. Mà đây là điều kiện bắt buộc đi đôi với việc hồ sơ vay vốn phải dược thẩm định khắt khe, điều mà trước đây ngân hàng vốn chỉ chú ý đến tài sản thế chấp mà ít lưu tâm hoặc lưu tâm không đầy đủ đến nó.

Theo Báo Gia Lai