Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

08/08/2012 10:19 AM


Phát hiện những ca sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên tại huyện Đức Cơ từ ngày 21-5-2012, đến nay SXH được ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 200 ca, trong đó có 1 ca tử vong.

Phát hiện những ca sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên tại huyện Đức Cơ từ ngày 21-5-2012, đến nay SXH được ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 200 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Bác sĩ Phạm Quốc Bảo-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh nhấn mạnh: Nếu làm tốt công tác phòng-chống dịch, khống chế và xử lý dứt điểm các ổ bệnh SXH thì không sao, nhưng nếu xử lý không dứt điểm thì khả năng phát sinh dịch SXH trên địa bàn như năm 2010 là có thể xảy ra. Đây cũng là vấn đề chúng tôi lo ngại nhất.

Khó đánh giá được diễn biến của bệnh

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, tính đến ngày 6-8-2012, toàn tỉnh đã phát hiện 201 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca đã tử vong, tập trung nhiều nhất tại huyện Đức Cơ với 117 ca (chủ yếu tại thị trấn Chư Ty và đã có 1 bệnh nhân tử vong), Chư Pưh (28 ca, chủ yếu tại thị trấn Nhơn Hòa), TP. Pleiku (35 ca, bệnh nhân rải rác ở nhiều xã, phường), Chư Sê (8 ca), Đak Đoa (6 ca), Chư Prông (2 ca), các huyện: Ia Grai, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, mỗi địa phương ghi nhận 1 ca. So với cùng kỳ năm 2011 thì năm nay số ca mắc lại cao hơn mặc dù mãi đến ngày 21-5-2012 mới phát hiện bệnh nhân mắc SXH đầu tiên (tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ).

 

Khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết. Ảnh: T.H
Khám bệnh cho bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết. Ảnh: T.H

Chính vì vậy, rất khó đánh giá được diễn biến của bệnh SXH trong năm nay. Đặc biệt, hiện đang là mùa mưa và đang bước vào các tháng cao điểm-thời điểm bệnh SXH dễ bùng phát mạnh vì diễn biến thời tiết mưa nắng thất thường là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh trưởng, phát triển.

Trong các địa phương có bệnh nhân mắc SXH thì hiện huyện Đức Cơ đang là điểm nóng và ghi nhận có dịch SXH. Trong tháng 5-2012, duy nhất địa phương này có bệnh SXH với 14 ca trên địa bàn thị trấn Chư Ty, xã Ia Krêl và xã Ia Dom; tháng 6 (28 ca); tháng 7 (65 ca, có 1 ca tử vong), và đến thời điểm này, trong 20 ca phát hiện của tháng 8-2012 thì Đức Cơ chiếm một nửa. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, mặc dù Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ và các xã, thị trấn khi phát hiện SXH đã tổ chức nhiều lần vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng làm chưa triệt để, chưa đồng loạt, tập trung.

Bên cạnh đó, người dân chưa tự giác, thường xuyên làm vệ sinh môi trường nên các chỉ số mật độ muỗi, bọ gậy không giảm sau các đợt phun hóa chất, vì vậy dịch chưa chấm dứt được. Hiện Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ đang triển khai đợt phun hóa chất và vệ sinh môi trường lần thứ 5; Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã cấp bổ sung thêm máy phun, hóa chất và cử cán bộ xuống phối hợp với Trung tâm Y tế huyện xử lý dịch.

Ghi nhận của phóng viên tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vào chiều 6-8 cho thấy, số bệnh nhân nhập viện trong tháng 7 và đầu tháng 8-2012 do SXH tăng cao, riêng tháng 7 là 88 ca, có trường hợp bệnh nhân vừa nhiễm SXH vừa mắc sốt rét, có trường hợp tất cả các thành viên trong 1 gia đình đều nhập viện vì SXH. “Trong 6 tháng đầu năm 2012, Khoa Bệnh nhiệt đới thu dung, điều trị cho 153 bệnh nhân SXH, tăng 240% so với cùng kỳ năm 2011.

Cao điểm có ngày khoa tiếp nhận 10 bệnh nhân, chủ yếu là người dân ở Đức Cơ và một số địa phương khác như: Chư Prông, Chư Sê và TP. Pleiku. Riêng trong tuần, từ ngày 30-7 đến ngày 5-8, khoa thu dung điều trị 10 ca ở Đức Cơ thì có tới 6 bệnh nhân là người dân xã Ia Din của huyện này”-bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng-chống bệnh

Thực tế cho thấy, nếu địa phương nào khi phát hiện ca bệnh mà tổ chức khoanh vùng chống dịch, làm tốt khâu vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất thì sẽ khống chế được dịch. Một số địa phương như: Krông Pa, Ayun Pa, Phú Thiện, Kông Chro, Đak Pơ, Đak Đoa đã làm khá tốt việc này nên tình hình dịch SXH chưa xuất hiện hoặc chưa bùng phát.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Đức Cơ, tình hình lại không mấy khả quan. “Chúng tôi vừa đi kiểm tra tình hình dịch bệnh tại Đức Cơ, cho thấy, phần lớn các hộ dân trên địa bàn có dịch không tự giác và thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng-chống dịch; điển hình là chưa phối hợp tốt với ngành Y tế thực hiện việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; đa phần chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất. Trong khi đó, phun hóa chất chỉ có tác dụng tốt nhất khi kết hợp với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vì vậy đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả phòng-chống dịch”-bác sĩ Phạm Quốc Bảo chia sẻ.

Tại một số hộ dân trên địa bàn xã Ia Din-xã mà trong thời gian 1 tuần trở lại đây liên tiếp có bệnh nhân nhập viện do SXH, cho thấy ý thức của người dân trong việc phòng-chống dịch SXH là chưa cao. Tại các thôn như Đồng Tâm 2, Thống Nhất, hầu hết các gia đình vẫn có những dụng cụ chứa nước thừa, đặc biệt là nước mưa-một trong những môi trường để muỗi sản sinh lăng quăng, bọ gậy; mặt khác lại không thường xuyên súc rửa các dụng cụ chứa nước trong gia đình. Ông Nguyễn Văn Đính (thôn Đồng Tâm 2) cho biết: Gia đình tôi vẫn có những dụng cụ chứa nước thừa, ngủ đôi khi lại không mắc màn, cho nên cả 3 người trong nhà đều nhiễm SXH, may mà được chữa trị kịp thời, chưa xảy ra điều gì đáng tiếc…

Trước tình hình diễn biến khó lường của dịch SXH, để phòng bệnh, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo: Loại muỗi vằn truyền bệnh SXH thường đẻ trứng ở nơi chứa nước sạch, nhất là nước mưa, chúng hoạt động trong nhà, đốt người vào ban ngày và lúc chạng vạng tối. Bởi vậy, chúng ta, đặc biệt là nhân dân vùng có SXH cần ngủ màn; sử dụng hóa chất diệt muỗi nếu có; tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình; tích cực làm vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước thừa như: vỏ lon, lốp xe… để muỗi không còn chỗ đẻ trứng. Ngoài ra, nếu phát hiện mình và người thân trong gia đình có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, dùng thuốc hạ nhiệt nhưng không hạ, đau đầu, đau hố mắt, đau cơ, xuất hiện các chấm xuất huyết… thì nên đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Theo Báo Gia Lai