Nơi gặp gỡ của những anh linh Bài 2: Đón anh về Đất Mẹ
27/07/2012 07:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đã hơn 10 năm nay, cứ vào dịp cuối mỗi mùa khô, khi cái nắng trở nên hươm vàng da diết, khi gió bời bời thổi dậy những nhớ thương, miền biên viễn này lại ngóng chờ một ngày lễ trọng. Đó là ngày mà tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tổ chức trọng thể lễ đón các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia
Đã hơn 10 năm nay, cứ vào dịp cuối mỗi mùa khô, khi cái nắng trở nên hươm vàng da diết, khi gió bời bời thổi dậy những nhớ thương, miền biên viễn này lại ngóng chờ một ngày lễ trọng. Đó là ngày mà tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tổ chức trọng thể lễ đón các liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia-ngày các anh, những anh hùng liệt sĩ, những ngôi sao sáng dẫn đường được trở về bình an trong Đất Mẹ...
Tìm anh trên nước bạn Khi ở Campuchia bước vào mùa khô là lúc cán bộ, chiến sĩ Đội công tác K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) khoác ba lô lên đường tiếp tục những chuyến xuyên đại ngàn để tìm kiếm, cất bốc, đưa những đồng đội-liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh còn nằm lại trên đất bạn trở về Tổ quốc. Từ năm 2001 đến nay, sau 12 lần triển khai nhiệm vụ, các anh đã cùng nhau vượt qua không biết bao nhiêu là khó khăn, gian khổ, để đem về cho những người thân của các gia đình liệt sĩ phần nào sự thanh thản, yên lòng…
Cùng chúng tôi ngồi nhớ lại quãng thời gian của 11 năm mà gần 70 anh em trong đội gắn bó, hết lòng vì việc chung, cảm xúc của Đại tá Vũ Văn Sơn-Đội trưởng Đội công tác K52 vẫn tươi mới như những ngày đầu đặt chân lên đất bạn. 11 năm của 11 mùa khô với gần 2.000 ngày ròng rã, vất vả, 67 con người ấy đã đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ hồi tháng 5-2003, bốc mộ tại huyện Xim-pong, tỉnh Stung Treng. Khi hoàn thành nhiệm vụ, các anh trở ra bằng thuyền chèo trên một quãng sông hẹp, ngoằn ngoèo, nước chảy rất mạnh; vừa đi vừa phải dùng sào chống đẩy thuyền tránh những gô đá lởm chởm, có cái cao ngút đầu. Sau khi băng qua một cái thác, con thuyền bị nước cuốn lao thẳng vào một tảng đá dựng đứng chắn ngang phía trước mặt; may mà mọi người kịp thoát ra, đồ đạc, quân tư trang bị nước cuốn trôi lềnh bềnh, nhiều thứ bị mất nhưng tuyệt nhiên 7 bộ hài cốt vẫn nguyên vẹn, khô ráo. Gian nan, vất vả là vậy nhưng chỉ cần nghĩ đến việc bao lớp người đã hy sinh cho dân tộc độc lập giờ vẫn còn nằm rải rác đâu đó trong lòng đất chưa được quy tập, bao người vợ, người mẹ mỏi mòn mong tin chồng, con thì các anh lại như được tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm. Đối với họ, đó không chỉ là một nhiệm vụ cao quý được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó mà nói như Trung tá Trần Ngọc Sĩ-Chính trị viên, phụ trách Đội công tác K52 hướng Rattanakiri thì, đó còn là bổn phận, là cái tình, cái nghĩa của lớp con cháu với thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh vì Tổ quốc. Và, theo năm tháng, việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ với anh em trong đội đã trở thành kỹ năng, nghề nghiệp; vì thế, tình yêu thương với các liệt sĩ ngày càng mãnh liệt. “Cứ ở đâu báo tin có mộ liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam là anh em lập tức lên đường tìm kiếm. Đến nay, sau 11 mùa khô, 12 lần làm nhiệm vụ trên đất bạn, Đội công tác K52 đã quy tập được 1.143 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 41 hài cốt có tên tuổi, quê quán, đã được bàn giao cho các địa phương; số còn lại đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ”-anh Sĩ cho biết thêm. “Con đã về, Đất Mẹ mến yêu ơi” “Con đã về, Đất Mẹ mến yêu ơi/Dẫu mãi mãi thiếu tháng ngày-tên tuổi/ Dẫu mãi mãi là hoa bên bờ suối/ Ngủ trong dáng Mẹ hiền, con mãi ngát thơm…”. Đây là những câu thơ được bạn tôi đọc khi chúng tôi có mặt trong lễ truy điệu và tiễn đưa các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ hồi mùa khô 2007-2008. Bạn tôi cũng là một người lính, biết đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ như một cơ duyên khi anh từ Hà Nội vào Gia Lai nhờ tìm phần mộ của người thân, tìm mãi cũng chưa có kết quả. Cứ nhìn cái cách anh kính cẩn thắp hương, cứ nhìn cái cách anh một mình quẩn quanh bên những hàng mộ chí được khắc những dòng chữ không ngày tháng, không tên tuổi, tôi lại càng thấu hiểu những mong mỏi đến cháy ruột của anh. “Thôi thì mình cứ tự bảo mình, rằng người thân của mình cũng như các anh-những anh hùng liệt sĩ ấy, đã được quây quần về đây, bên đồng đội, đồng chí, trong sự yêu thương, kính trọng, tri ân của các thế hệ tiếp nối-thế đã là một niềm an ủi rồi”-bạn tôi trầm tư, nói với tôi mà như tự nói với mình. Tôi bảo bạn tôi hãy yên tâm, bởi ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất này, sự thành kính tưởng nhớ, mãi mãi ghi nhớ công lao và những cống hiến của các liệt sĩ, thương binh và người có công với nước là điều không thể thiếu của mỗi người con đất Việt. Những ngày này, tôi lại tìm đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ. Nghĩa trang đã được khoác trên mình một tấm áo mới, dài rộng và tôn nghiêm hơn. Cùng tôi thắp hương bên Đài tưởng niệm, anh Bùi Văn Dũng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ bất chợt nhẩm đọc những câu thơ cuối cùng trong bài “Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao: “Ai viết tên anh thành liệt sĩ/Bên những hàng bia trắng giữa đồng/Nhớ nhau em gọi anh đồng chí/Một tấm lòng trong vạn tấm lòng”. Tôi biết, anh Dũng đã cố tình đọc sai đi một vài từ-đọc sai để hoán đổi cách xưng hô vốn có trong bài thơ, sao cho hợp với tâm trạng của chúng tôi bây giờ. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhìn lên phía trên Đài tưởng niệm-nơi có hình đôi bàn tay dâng quả địa cầu, hy vọng anh linh các anh hùng liệt sĩ có thêm một nguồn an vui…
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...