Giáo dục Phật giáo đồng hành cùng dân tộc

18/07/2012 02:15 PM


“Đạo Pháp và dân tộc” là hai vấn đề chính của cuộc sống, liên quan chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Từ xưa đến nay, đạo và đời luôn hòa nhịp với nhau, tạo nên đời sống và tâm hồn của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp ổn định xã hội, phát huy thành quả đổi mới của đất nước và giáo hội.

“Đạo Pháp và dân tộc” là hai vấn đề chính của cuộc sống, liên quan chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Từ xưa đến nay, đạo và đời luôn hòa nhịp với nhau, tạo nên đời sống và tâm hồn của dân tộc, góp phần thúc đẩy sự nghiệp ổn định xã hội, phát huy thành quả đổi mới của đất nước và giáo hội. Khẳng định tinh thần “phụng sự Đạo Pháp và dân tộc” là truyền thống của đạo Phật từ trước đến nay. Chính vì vậy, vấn đề giáo dục của đạo Phật đóng vai trò quan trọng và cấp thiết trong việc hoàn thiện phẩm chất con người và đạo đức xã hội.

Nền giáo dục của đạo Phật đối với dân tộc ta có truyền thống văn hóa từ hơn 2.000 năm, được mọi người xem là nếp sống văn hóa, đạo đức tâm linh của nhân dân. Theo sử sách ghi lại, từ các thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo của nước ta và các vị quốc sư danh tiếng như: Từ Đạo Hạnh, Pháp Thuận, Khuông Việt... đều là những bậc thầy của các vua thời Lý, Trần. Không những thế, đã có một thời chùa là trường học, tu sĩ là thầy giáo được ghi lại rất đầy đủ trong sử sách. Thời đó, các vị tu sĩ đều là những người có học thức, đã mở những lớp dạy chữ tại chùa cho nhân dân theo học. Qua đó, thể hiện tinh thần đồng hành và phát triển, phụng sự dân tộc, góp phần xây dựng đất nước của đạo Phật từ thời xa xưa.

 

Chùa Minh Thành.
Chùa Minh Thành.

Giáo dục Phật giáo nói chung hay giáo dục tăng ni nói riêng đã được bắt đầu ngay khi Đức Phật quyết định chuyển bánh xe Pháp cứu độ chúng sinh. Trải qua hơn 25 thế kỷ, nhất là trong thời điểm toàn cầu hóa, Phật giáo đang phải đối đầu với nhiều thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trên 2.000 năm, nên nói đến Phật giáo Việt Nam là đề cập đến dân tộc Việt Nam. Nói khác hơn, Phật giáo là đạo của dân tộc, đạo làm người của nước Việt mà hình ảnh tăng ni là biểu tượng cho sự mô phạm, trong sạch và thánh thiện.

Ngành giáo dục tăng ni có nhiệm vụ đào tạo tăng ni thành những tu sĩ Phật giáo chân chính. Học để tu, để hoằng pháp và giúp đời; trong đó tu là chính, tu từ khi bước chân vào chùa cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Học để trau giồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát tối hậu.

Một trong những yêu cầu của giáo dục là tạo cho người học sự thích nghi, sự tự phát triển. Giáo dục nhà chùa không nhằm nhồi nhét kiến thức, kỹ năng của con người trong thời đại mới mà nhằm giúp tăng ni thích nghi với thời đại mới mỗi khi phải chung đụng với đời. Nhưng điều cần khẳng định là giáo dục tăng ni là giáo dục nhà chùa, lấy sự phát triển tâm linh, đạo đức, thiền định làm mục tiêu cho mọi sinh hoạt: có kiến thức về Phật học và các lĩnh vực có liên hệ; có trí tuệ và kỹ năng để hướng dẫn nhân dân; trở thành học giả, trí thức để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; nâng cao đạo đức, an hòa trong cộng đồng của dân tộc; bảo vệ và phát huy Phật pháp trong đời sống người dân; khuyến khích việc áp dụng Phật pháp trong đời sống người dân.

Đạo Phật lấy từ bi làm phương châm hành động, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Do đó, giáo dục đào tạo cho tăng ni kế thừa là việc thiết yếu. Đây là nguồn nhân lực cơ sở cho sự nghiệp tồn tại và phát triển của giáo hội. Chúng ta ai cũng hiểu, giáo dục là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng đặc trưng của con người, nhờ đó con người được văn minh, văn hóa phát triển không ngừng khác với tùy nghiệp thụ sinh của các sinh vật khác.

Giáo dục chuyển biến theo thời đại, theo chế độ xã hội nên có những nền giáo dục khác nhau đáp ứng những yêu cầu của con người và những mục tiêu theo đuổi khác nhau, nội dung phương pháp, phương tiện giáo dục được thay đổi và phát triển phong phú đa dạng.

Xuất phát từ mục đích này, tăng ni cần được trang bị lý tưởng của Bồ-tát, phải thực sống với lý tưởng Bồ-tát, xem đây là lý tưởng thiết yếu và thực tiễn nhất. Đây cũng chính là lý tưởng của Đại-thừa. Cái nhìn của chúng ta hướng về thế giới không phải là cái nhìn đắm chìm trong bùn lầy ngã chấp, phải dọn sạch tất cả những chướng ngại khởi lên từ sự cố chấp của chúng ta, tự tánh của mọi vật lúc này sẽ hiện diện trong khía cạnh chân thực.

Đại-thừa sẵn sàng đương đầu những vấn đề được coi là đích thực của sự sống và giải quyết theo đạo lý như thật.

Ở góc độ quản lý, giáo dục đào tạo những yêu cầu thể hiện trong mục đích giáo dục chính là các chuẩn mực bao hàm các giá trị về tu chứng, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ mà xã hội cũng như thời đại đặt ra đòi phải giải quyết được thể chế hóa qua các văn bản pháp quy đối với giáo dục. Mỗi người với tư cách cá nhân trong quá trình học tập luôn luôn ý thức được mục tiêu cụ thể mà mình cần đạt tới trong mối tương quan chặt chẽ với sự tiến bộ và phát triển xã hội.

Đây có thể được xem là sự biểu hiện sinh động cụ thể về mục tiêu giáo dục đào tạo ở góc độ cá nhân. Mục đích giáo dục đào tạo phải phản ánh yêu cầu của xã hội, của thời đại và mô hình nhân cách tu tập phục vụ có hiệu quả thiết thực mà giáo hội và xã hội mong đợi, đòi hỏi ở hoạt động giáo dục đào tạo. Đó chính là tính dự báo, tính chất lý tưởng và tính định hướng của mục đích giáo dục đào tạo đối với hoạt động thực tiễn.

Để giáo dục tăng ni có hiệu quả thì yếu tố đầu tiên là tự thân mỗi vị phải ý thức tu hành để cầu giải thoát giác ngộ. Giáo hội cần quan tâm đến đời sống tăng ni, theo dõi và ngăn chặn kịp thời các hành vi thế tục hóa. Các trường Phật học phải trang bị kiến thức, xây dựng chương trình giáo dục thực tiễn, áp dụng ngay vào đời sống tu học hàng ngày. Vị thầy đứng lớp phải có đạo lực để “nói chúng nghe”. Bổn sư kết hợp với nhà trường đôn đốc tăng ni kiện toàn việc tu học. Có như vậy mới có thể đào tạo một nhà tu hành mẫu mực đủ tài, đủ đức làm lợi ích cho nhân loại.

Thượng tọa Thích Tâm Tường

Theo Báo Gia Lai