Gia Lai: Cơ giới hóa trồng mía
22/06/2012 08:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đang triển khai mô hình thay đổi cách trồng mía truyền thống bằng việc trồng mía hàng đôi và áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch. Phương pháp này hứa hẹn cho nông dân có lợi nhuận tăng gấp đôi so với cách làm cũ.
Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai đang triển khai mô hình thay đổi cách trồng mía truyền thống bằng việc trồng mía hàng đôi và áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch. Phương pháp này hứa hẹn cho nông dân có lợi nhuận tăng gấp đôi so với cách làm cũ. Trồng mía hàng đôi Lâu nay người nông dân canh tác mía theo phương pháp truyền thống là trồng mía thành hàng đơn cách nhau 1m, gần như toàn bộ quy trình cach tác mía đều làm thủ công (từ khâu làm cỏ bón phân, phun thuốc… đến thu hoạch). Cách làm này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng lợi nhuận không cao (chỉ khoảng 20 -25 triệu đồng/ha).
Còn trồng mía theo hàng đôi là quy trình canh tác tiên tiến trên thế giới đang được Vương quốc Thái Lan áp dụng rộng rãi và cho năng suất, hiệu quả vượt trội, đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha, gấp đôi cách làm cũ. Theo phương pháp canh tác mới, ruộng mía trồng hàng đơn như lâu nay sẽ phải phá bỏ để trồng theo quy trình hai hàng mía đôi cách nhau 40 cm rồi đến khoảng trống 1,6-1,8m (chừa lối đi cho máy cày đất, làm cỏ, bón phân…) rồi lại đến hàng đôi tiếp theo. Các hộ dân sẽ liên kết với nhau theo từng nhóm để cày phá bỏ bờ ruộng hiện tại theo kiểu “dồn điền đổi thửa” đảm bảo các ruộng mía liền mạch, mỗi hàng dài 250 m phù hợp với phương án canh tác bằng máy cơ giới.
Quy hoạch ruộng mía theo từng lô có diện tích 10-15 ha; trong mỗi lô sẽ chia ra từng thửa ruộng từ 2 đến 5 ha. Bố trí đường lô rộng 6-8m và đường thửa ruộng rộng 3- 4m để xe cơ giới vào canh tác.
Kỹ sư Vũ Thị Lan- Trưởng phòng Phát triển nguyên liệu (Công ty Cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai) cho biết: Công ty đã tổ chức cho hơn chục nông dân trồng mía tiêu biểu xuất ngoại học kỹ thuật trồng mía hiện đại của Vương quốc Thái Lan sau đó về triển khai trong vụ ép 2012-2013 này. Điểm mấu chốt của việc trồng mía theo hàng đôi là vẫn đảm bảo trồng được 4 hàng mía (tính khoảng cách đất giữa hai hàng đôi rộng 2- 2,2m) như cách trồng cũ. Nhưng trồng hàng đôi thì có khoảng trống giữa 2 hàng mía là 1,6-1,8m để cây mía dễ quang hợp, thuận lợi cho gốc mía đẻ nhánh, phát triển, thân mía to, năng suất sẽ cao hơn. Mặt khác, khoảng rộng giữa hai hàng đôi cũng là lối đi cho máy cơ giới vào làm cỏ, bón phân, phun thuốc được dễ dàng. Các kỹ sư, kiểm soát viên của công ty sẽ sát cánh cùng nông dân để hướng dẫn họ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Ông Phạm Văn Giang ở thôn 3, xã Pờ Tó có 30 ha mía tham gia mô hình phấn khởi cho biết: Các năm trước mía của tôi đạt năng suất xấp xỉ 100 tấn/ha. Doanh thu từ trồng mía khá cao nhưng chi phí bỏ ra cũng nhiều vì phải thuê công lao động để trồng, chăm sóc, phun thuốc, cày đất… đến mùa thu hoạch lại khổ sở chạy lo tìm nhân công chặt mía ngày càng khan hiếm, khó khăn. Vì thế áp dụng theo quy trình kỹ thuật canh tác mới này tôi thấy đỡ tốn công lao động, giảm được nhiều chi phí do đó sẽ có lợi nhuận vượt trội”. Còn ông Huỳnh Xuân Thọ ở thôn 3, xã Pờ Tó (Ia Pa) thể hiện niềm tin: “Mới hơn 4 tháng tuổi mà thân cây mía đã to, ú mập như cổ tay người lớn, khác hẳn với những ruộng mía trồng theo phương pháp cũ các hàng mía dày lít nhít, thân cây ốm khẳng khiu. Với đà phát triển này thì 20 ha mía trồng theo phương pháp mới của nhà tôi sẽ thắng chắc.” Đến nay Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã vận động được 25 hộ dân ở xã Pờ Tó tham gia đề án canh tác mía theo kỹ thuật mới với tổng diện tích 250 ha mía tại cánh đồng Chư Gu. Áp dụng cơ giới hóa Cùng với việc trồng mía theo kỹ thuật mới, Công ty Cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã dành trên 10 tỷ đồng đầu tư cơ giới hóa cho vụ ép 2012 -2013. Theo đó, đã mua bổ sung thêm 8 dàn máy làm cỏ kết hợp phun thuốc; 20 dàn máy trồng mía, 20 dàn máy làm đất, đầu tư trực tiếp cho nông dân tự quản lý, vận hành.
Trong đó, có nhiều dàn máy cơ giới đa năng thực hiện được nhiều công đoạn như: Cày đất, trồng mía, làm cỏ, phun thuốc… Dự kiến khi diện tích cánh đồng mía hàng đôi đạt 500 ha, công ty sẽ vận hành dàn máy thu hoạch mía tự động để đồng bộ hóa quy trình canh tác mía theo phương pháp hiện đại. Kỹ sư Vũ Thị Lan cho biết thêm: Trồng mía hàng đôi kết hợp áp dụng cơ giới hóa gần như toàn bộ các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch mía sẽ nâng cao năng suất, chất lượng, giải phóng được nhiều công lao động, tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản xuất từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân, tạo lợi thế cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác. Cụ thể, mía trồng theo phương pháp mới sẽ đạt năng suất bình quân 80 tấn/ha (tăng hơn cách cũ 15 tấn), trong khi đó chi phí chỉ mất 30 triệu đồng/ha (giảm gần 14 triệu đồng) do đó lợi nhuận sẽ đạt 50 triệu đồng/ha, tăng hơn cách trồng mía cũ gần 29 triệu đồng. Cùng với việc đưa vào các bộ giống mía mới có năng suất, chữ đường vượt trội như K84-200, k88-92 làm chủ lực; quá trình nhân rộng mô hình trồng mía hàng đôi và cơ giới hóa là phù hợp với định hướng phát triển của nhà máy. Đến năm 2013, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai sẽ nâng công suất lên 6.000 tấn mía cây/ngày, vùng nguyên liệu sẽ đạt 12.000-13.000 ha. Lúc đó việc chặt mía bằng thủ công như lâu nay sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu mía nguyên liệu phục vụ dây chuyền ép của nhà máy mà phải chặt mía bằng dàn máy tự động. Quy trình kỹ thuật canh tác mía hàng đôi kết hợp cơ giới hóa đã được Công ty triển khai từ vài năm nay trên diện tích 50 ha tại Trại thực nghiệm mía thôn Pi Yông, xã Pờ Tó dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia người Thái Lan và cho kết quả vượt trội, năng suất bình quân đạt 120 tấn/ha. Riêng vụ 2012 -2013 này, 250 ha mía hàng đôi đầu tiên của nông dân xã Pờ Tó đã có bước phát triển khả quan. Nhìn ruộng mía trồng theo phương pháp mới với những hàng mía đôi chạy dài xanh tốt lút đầu người, ông Lê Trọng Nam- Chủ tịch UBND xã Pờ Tó người tiên phong trồng 20 ha mía theo kỹ thuật mới và áp dụng cơ giới hóa lạc quan: “Trong chuyến tham quan học tập cách trồng mía theo kỹ thuật mới ở Thái Lan, tôi thấy nông dân nước bạn làm rất hiệu quả. Riêng cánh đồng mía Chư Gu rộng 500 ha của xã Pờ Tó khi chuyển sang canh tác theo kỹ thuật mới này sẽ cho lợi nhuận mỗi năm tăng lên gấp đôi, đạt 250 tỷ đồng”. Từ những tính toán mang tính khoa học và thực tiễn trên, phương pháp canh tác mía hàng đôi kết hợp cơ giới hóa trong sản xuất sẽ mở ra một “cuộc cách mạng về trồng mía” hứa hẹn đem lại thu nhập vượt trội cho nông dân.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...