Công ty 715: Vững vàng nơi vùng biên
22/06/2012 08:01 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cuộc mưu sinh của người dân các xã biên giới huyện Ia Grai đỡ vất vả hơn nhiều kể từ năm 1996 khi Công ty 715 (Binh đoàn 15) đặt chân về đây để trồng cao su. Những cán bộ, chiến sĩ, công nhân-lao động qua các thời kỳ đã xây đắp nên những thành quả đáng tự hào…
Cuộc mưu sinh của người dân các xã biên giới huyện Ia Grai đỡ vất vả hơn nhiều kể từ năm 1996 khi Công ty 715 (Binh đoàn 15) đặt chân về đây để trồng cao su. Những cán bộ, chiến sĩ, công nhân-lao động qua các thời kỳ đã xây đắp nên những thành quả đáng tự hào… Kiên trì vượt khó Tới bây giờ, nhiều công nhân vẫn không thể nào quên thời kỳ khai hoang, lật đất để trồng cao su với biết bao gian khó, nhọc nhằn. Chị Trương Thị Mai-cán bộ Ban Chính trị Công ty có mặt từ những ngày đầu, nhớ lại: Khi có chủ trương đi làm kinh tế mới trên miền biên giới này, những thanh niên gốc Quảng Bình như chúng tôi đã háo hức lên đường. Đến TP. Pleiku, được nghỉ một ngày, hôm sau lại vượt tiếp quãng đường 60 cây số, đất bụi mù mịt phải mất gần một ngày trời mới đến nơi tập kết.
Cứ tưởng về vùng đất mới cuộc sống khấm khá ai ngờ đó là một nơi hoang vu, cỏ cây che lẫn mặt người, xa xa, lác đác có mấy chục hộ dân sinh sống trong những ngôi nhà tranh vách nứa lụp xụp. Sợ anh em lung lay ý chí, các anh chị cán bộ chỉ huy đã trấn an tinh thần, rồi bằng nghị lực của từng người, ngay lập tức mỗi người một việc, người thì chặt tre, cắt từng nhúm tranh về làm nhà ở tạm. Chuyện ở là vậy, chuyện ăn cũng kham khổ không kém: Chỉ có cá khô, nước mắm. Trong khi phải khai hoang, lật đất, đào bới từng gốc cây vất vả để lấy đất trồng cao su. Không chịu đựng nổi vì chưa hình dung ra những thử thách phía trước của mảnh đất vùng biên giới khắc nghiệt này, nhiều người lặng lẽ bỏ về quê. “Vất vả lắm, nhiều hôm cứ khóc thầm tủi thân vì mình là con gái xa nhà. Thời đó đâu có điện thoại như bây giờ, nhiều công nhân có khi mấy tháng trời mới nhận được thư nhà, vui đấy nhưng khi đọc xong rồi lại òa khóc. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng được sống trong tình thương yêu của tập thể, chứng kiến các anh chị cán bộ chỉ huy cũng chịu đựng gian khổ như mình. Có lúc vợ lãnh đạo chỉ huy phải mang cả sổ đỏ của gia đình đi thế chấp để có tiền mua gạo, thức ăn giúp chồng lo đời sống cho công nhân. Thấy vậy, chúng tôi quyết tâm có khó khăn mấy cũng quyết không về, chỉ về khi nào kinh tế đã ổn định thôi!”-chị Mai nói về quyết tâm những ngày đầu bám trụ trong gian nan.
Anh Nguyễn Đình Xuân, tổ 2, đội 3, cũng từ Quảng Bình vào làm công nhân, nhớ mãi cái khó khăn, vất vả của thuở ban đầu: “Khó có thể kể ra hết được, song cứ nhìn vào đất đai tươi tốt như thế này chắc chắn sẽ có ngày tươi sáng, nên ngay từ đầu tôi đã xác định gắn bó lâu dài với mảnh đất này”. Và quả đúng như vậy, giờ đây anh đã trở thành một công nhân lành nghề. Suốt 15 năm (từ 1997-2012), anh liên tiếp đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” cấp Công ty và là Bí thư chi đoàn Đội 3, Tổ trưởng sản xuất. Còn những người dân địa phương thấy ngày đầu bộ đội về khai hoang mở đất trồng cao su thì cho rằng đó là sự lạ. Công ty vận động bà con vào làm công nhân nhưng nhiều người đã từ chối. Vì họ nghĩ rằng bộ đội về đây vận động bà con trồng cao su, trong khi đó họ chưa biết cây cao su là gì thì làm sao có thể làm được? Hay là trồng xong cao su rồi không còn đất “chọc lỗ tra hạt” nữa nên không ai muốn làm công nhân. Bằng sự kiên trì của những người lính, cộng với những chính sách khuyến khích, khoán theo hộ mỗi gia đình trung bình nhận 1 ha đất đào hố, khai hoang, trồng mới. Quyền lợi của người lao động được đảm bảo, hàng tháng Công ty còn cấp gạo đến từng hộ gia đình, không còn hộ nào bị đói nữa. Dần dần niềm tin được đong đầy, nhà nhà đăng ký vào làm công nhân cao su. Già làng Rơ Châm Xuyên-làng Tung Chruk, xã Ia Khai năm nay đã ở cái tuổi “bát thập” tâm sự rằng, già cũng cảm thấy hạnh phúc khi thỉnh thoảng đối chiếu giữa những cực khổ, thiếu thốn trước đây với cuộc sống đủ đầy bây giờ. Giờ già yên tâm an hưởng tuổi già vì con cháu mình đứa nào cũng đủ ăn, đủ mặc, sắm cả xe ô tô đi rẫy. Để “vàng trắng” tuôn chảy Vậy là ngày 20-6-2012 này, Công ty 715 tròn 26 năm xây dựng và trưởng thành. Đầu năm 1986, Công ty mới thành lập với nhiệm vụ chính là xây dựng, khai thác chế biến gỗ, nên lấy tên là Công ty Lâm nghiệp 715. Sau đó 10 năm-tháng 4-1996, từ bộ khung của Công ty Lâm nghiệp 715 chuyển sang nhiệm vụ mới là phát triển kinh tế nông nghiệp bằng hai loại cây chủ lực: Cao su và cà phê, lấy tên mới là Công ty 715. Đến nay, tổng diện tích vườn cao su và cà phê của Công ty là 3.200 ha, trong đó có trên 2.000 ha cao su đang khai thác cho hàng chục tấn “vàng trắng” mỗi ngày, cùng với 282 ha cà phê kinh doanh đạt chất lượng tốt. Nhờ vậy, cuộc sống của 1.754 cán bộ, chiến sĩ, công nhân-lao động, trong đó gần 500 công nhân là người dân tộc thiểu số địa phương đã được đổi thay từng ngày. Đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm công nhân đang nhận khoán với định mức gần 3 ha/hộ. Họ đang rất tích cực, hăng say sản xuất. Vào mùa cạo chính, từ 3 giờ sáng ngoài lô đèn cạo mủ sáng nhấp nhô để cho dòng “vàng trắng” tiếp tục tuôn chảy. Đi, gặp và trao đổi mới thấy, đã có một lớp trẻ kế cận xứng đáng trên vùng đất biên giới này, làm cho những thành quả có được của Công ty ngày một vững chắc hơn. Anh Ksor Uâu-công nhân đội 3, nhớ rất rõ cái ngày đầu vào làm công nhân, ngày 20-1-2005. Anh dí dỏm: “Chắc là vì hồi đó khó khăn quá nên mới nhớ lâu”. Tất nhiên là đã qua cái thời hoang vu, đói khổ trước kia, nhưng với trải nghiệm của một thanh niên 27 tuổi này đã làm nhiều người kinh ngạc về tính siêng năng, cần mẫn. Tổng thu nhập từ tiền lương, tiền thưởng vượt sản lượng trung bình mỗi năm được khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh còn có 2,5 ha cao su tiểu điền, trong đó có 1,1 ha cao su đã cho kinh doanh. Chỉ 7 năm vào làm công nhân, gia đình anh đã xây được nhà ở khang trang, mua xe ô tô gần nửa tỷ đồng để đi rẫy. Không chỉ là một công nhân giỏi, anh còn là một trưởng thôn rất năng động, tích cực vận động nhân dân vào làm công nhân cao su, 87/122 hộ gia đình trong làng Tung Chruk đã nhận chăm sóc vườn cây cho Công ty, đều có thu nhập khá, cuộc sống ổn định. Làng bây giờ có khoảng 10 hộ được “mệnh danh” là tỷ phú, 3 gia đình có tiền sắm xe ô tô trung bình từ 300 triệu đồng đến trên 400 triệu đồng để đi rẫy, như Ksor Uâu, Rah Lan Tét, Rah Lan Ginh… và điều đặc biệt tất cả những hộ kinh tế khá giả này đều còn rất trẻ. Anh Đặng Thành Phước-Đội phó Đội 3, bộc bạch: Tung Chruk là nơi đặt chân đầu tiên của Công ty 715 bây giờ. Có lẽ vùng đất lành đó đã tạo nên những con người cần mẫn, siêng năng, ham học hỏi để có được thành quả như hôm nay. Chỉ cần 3 năm nữa thôi, Tung Chruk sẽ trở thành làng tỷ phú của tỉnh. Bởi nhìn vào thực tế đời sống công nhân, cộng với gia đình nào cũng có từ 1 đến 1,5 ha cao su tiểu điền: Cả làng có 95 ha, cộng với 42 ha cao su của Công ty hỗ trợ bà con bị mất đất sản xuất do thủy điện Sê San 4 ngăn đập. Một nhà trẻ vừa được đưa vào hoạt động, tổng trị giá 350 triệu đồng đã giúp con em công nhân có chỗ vui chơi, học tập. Cha mẹ yên tâm thức khuya, dậy sớm lo công việc chăm sóc vườn cây, cạo mủ cao su, phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ làng Tung Chruk đổi thay mà 24 thôn làng trong 4 xã khó khăn của huyện Ia Grai là Ia Khai, Ia Krái, Ia Chía và Ia O đều có cuộc sống khá giả hơn trước rất nhiều. Tự hào về điều đó, Thượng tá Hoàng Sỹ Chung-Giám đốc Công ty-một Giám đốc còn rất trẻ của Binh đoàn 15, cho biết: Với nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh luôn đặt ra cho Công ty những khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực hết mình. Chính vì thế, ngoài tập trung phát triển kinh tế, Công ty luôn xác định vấn đề xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Trong những năm qua, với phương châm “Phát triển sản xuất kinh doanh đến đâu, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư xã hội đến đó”, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng loạt tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội vùng, 14 nhà trẻ, mẫu giáo, một nhà máy chế biến mủ cao su, một bệnh xá nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, vừa phục vụ cán bộ, chiến sĩ vừa phục vụ nhân dân địa phương. Chủ trương gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tạo động lực cho Công ty ngày càng đạt hiệu quả cao trong nhiệm vụ của mình. * Về làng vùng sâu bây giờ, trước mắt chúng ta là những ngôi biệt thự, bên trong là tủ lạnh, bếp gas, xe ô tô. Và để có được điều đó, tất cả đều nhờ vào màu xanh cao su của Công ty 715. Cùng với lớp người trước, lớp người sau ở đây đã phát huy được sức trẻ, luôn năng động, sáng tạo và đoàn kết với mong muốn làm cho vùng biên cương của Tổ quốc ngày một trù phú hơn, tươi đẹp hơn.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...