Nuôi trồng, chế biến thủy sản: Hướng đi mới cho Kbang

15/03/2012 01:43 PM


Huyện Kbang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước tương đối lớn. Để khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, huyện đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2012 đến 2020.

Huyện Kbang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước tương đối lớn. Để khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước, huyện đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng và chế biến thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2012 đến 2020.

Trong những năm qua, tuy việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện còn mang tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ…, cơ sở hạ tầng nuôi trồng ít được đầu tư và chưa có định hướng phát triển. Hiện trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất giống, do đó người nuôi chủ yếu nhập giống từ các tỉnh khác như: Đak Lak, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây.

Hiện việc nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở 2 loại hình nuôi ao hồ nhỏ và nuôi trong hồ chứa với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện năm 2010 là 1.120 ha mặt nước (tăng 52% so với năm 2006) và sản lượng đạt hơn 215 tấn (tăng 81,9% so với năm 2006), sản lượng năm 2011 đạt 238 tấn.

Hiện toàn huyện có 3 hồ thủy điện lớn, 25 đập thủy lợi nhỏ với tổng diện tích mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản khoảng 3.077 ha (chiếm 23,8% diện tích mặt nước tiềm năng phát triển thủy sản của tỉnh).

Thực tế cho thấy, các công trình thủy lợi ngoài việc cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nông thôn đều có thể triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết với những công trình thủy lợi rất cần có sự quan tâm và đầu tư để lợi ích từ những công trình này được khai thác tối đa, thúc đẩy sự phát triển nghề nuôi thủy sản và khai thác bền vững.

Trên địa bàn huyện còn có 3 hồ thủy điện như: An Khê-Ka Nak (1.800 ha), Vĩnh Sơn thuộc xã Sơn Lang (1.000 ha), Vĩnh Sơn thuộc xã Đak Rong (320 ha). Đây là những công trình có diện tích hồ chứa có diện tích mặt nước lớn. Ngoài việc sản xuất điện thì các hồ này còn có các chức năng khác như tưới tiêu cho nông nghiệp, điều tiết khí hậu tiểu vùng, bổ sung nguồn cung cấp nước sinh hoạt... Các hồ này đã và đang là nơi khai thác và nuôi trồng thủy sản, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn.

Trước tiềm năng lớn về nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn, huyện Kbang đã phê duyệt dự án quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản kết hợp với đề án nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2012-2020 với tổng kinh phí khoảng 44,8 tỷ đồng (giai đoạn 2012-2016 là 33 tỷ đồng, giai đoạn 2017-2020 là 11,8 tỷ đồng) với các loại giống như: Trắm cỏ, chép, trôi ấn, mè trắng, mè hoa, rô phi, diếc, trê lai… và một số giống cá đặc sản như: Cá tầm, cá lang đuôi đỏ, ba ba, chình, tôm càng xanh, chạch bùn…

Việc phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác và sử dụng tối đa diện tích mặt nước trên địa bàn mang lại những lợi ích thiết thực cho địa phương như cung cấp thủy sản phục vụ cho tiêu dùng trong và ngoài huyện và hướng đến xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm cho người dân với mục tiêu đến năm 2016 sẽ tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động nghề cá, giải quyết việc làm nông thôn; tăng thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo. Quá trình nuôi thủy sản kéo theo một bộ phận lao động ngành nghề liên quan phát triển như mua bán sản phẩm nuôi, thức ăn, hóa chất, dịch vụ vận chuyển và phân phối. Nuôi thủy sản theo quy hoạch sẽ phát huy được điểm lợi thứ hai là nguồn dinh dưỡng của lòng hồ tăng lên, nguồn cá tự nhiên nhiều hơn, hạn chế phần nào sự suy kiệt của các loài thủy đặc sản.

Đây được xem như một hướng đi mới của huyện, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm nông thôn, xóa đói giảm nghèo và đăc biệt góp phần đa đạng hệ thống cây trồng-vật nuôi trên địa bàn.

Theo Báo Gia Lai