Gia Lai: Công trình thủy lợi Ia Mơr... chờ vốn

07/03/2012 08:06 AM


Là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Tây Nguyên được người dân 2 huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Soup (Đak Lak) kỳ vọng, công trình thủy lợi Ia Mơr được khởi công xây dựng từ năm 2011, tạo niềm tin cho người dân vào sự đổi thay khi công trình đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội ra đời đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ công trình.

Là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Tây Nguyên được người dân 2 huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Soup (Đak Lak) kỳ vọng, công trình thủy lợi Ia Mơr được khởi công xây dựng từ năm 2011, tạo niềm tin cho người dân vào sự đổi thay khi công trình đi vào hoạt động. Tuy nhiên, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội ra đời đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ công trình.

Công trình thủy lợi Ia Mơr được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005, dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng tưới trên 12.500 ha cây trồng các loại cho 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Bên cạnh đó, còn thực hiện thêm nhiệm vụ phát điện, kết hợp du lịch và  nuôi trồng thủy sản… đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt cho 50 ngàn dân, giảm lũ cho vùng hạ lưu…

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Toàn bộ công trình gồm đập đầu mối nằm trên dòng suối Ia Mơr, hệ thống kênh thuộc xã Ia Mơr và huyện Ea Soup (Đak Lak). Ngoài ra còn có hợp phần khác là đập dâng Plei Pai-Ia Lôp-(xã Ia Lâu) đã thi công từ những năm trước, đến nay đã hoàn thành cơ bản chuẩn bị đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư cho công trình trên 1.263 tỷ đồng (đơn giá tính từ năm 2005), thực hiện trong vòng 5 năm bằng nguồn trái phiếu Chính phủ.

Cùng với hợp phần Plei Pai-Ia Lốp chặn dòng từ những năm trước, hồ chứa nước Ia Mơr khởi công vào đầu năm 2011, với các hạng mục chủ yếu như: Hệ thống xử lý nền móng đập bằng khoan phụt chống thấm, nền đập chính và cống lấy nước… giá trị khối lượng hoàn thành khoảng 50 tỷ đồng. Công tác giải tỏa đền bù xây dựng khu tái định cư mới cho người dân 2 làng Hnáp và Khôih (xã Ia Mơr) đến nay đã cơ bản hoàn thành, người dân đã vào nơi ở mới.

Mừng là vậy, nhưng trong những ngày tháng 3 này, chúng tôi trở lại khu vực đang thi công của công trình không khỏi ngỡ ngàng khi lòng hồ rộng lớn nhưng chỉ có vài ba công nhân làm việc, các phương tiện thi công gần như đứng yên tại xưởng. Đem vấn đề này trao đổi với ông Trần Viết- Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thì nhận được câu trả lời khá bùi ngùi: “Lúc khởi công có đến 7 đơn vị làm việc thường xuyên, công trường rất nhộn nhịp. Từ khi Nghị quyết 11 của Chính phủ ra đời buộc phải cắt giảm, giãn tiến độ nên việc thi công tạm lắng xuống. Từ 7 đơn vị đến giờ chỉ còn lại 3.

Không những vậy, nguồn vốn được cấp dài hạn như hiện nay trong 3 năm (2012-2014) 70 tỷ đồng/năm, thì không biết khi nào công trình này mới hoàn thành. Hiện tại Ban đang tập trung nguồn vốn để thi công cho xong hợp phần Plei Pai-Ia Lôp đưa vào sử dụng vào tháng 6, còn lại hệ thống cống lấy nước từ lòng hồ tương đương với vốn kế hoạch”.

Cũng theo ông Viết, công trình được phê duyệt từ năm 2005, thời điểm giá cả vật tư còn thấp. Đến nay mọi thứ đều biến động mạnh, giá cả vật tư, nhiên liệu tăng cao, trong khi nguồn vốn vẫn không thay đổi. Việc tỉnh lộ 665 xuống cấp nặng như hiện nay cũng rất khó thực hiện trong thời gian tới, ước tính vốn để thực hiện xong công trình này giờ đã lên khoảng 2.800 tỷ đồng. Một trong những phần việc quan trọng khác là khai thác tận thu gỗ lòng hồ sẽ mất rất nhiều thời gian, nếu không có những điều chỉnh kịp thời.

Hiện tại đang là mùa khô, mùa các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để bù đắp lại những tháng mưa kéo dài. Với tình hình như hiện nay thì không biết đến khi nào công trình thủy lợi Ia Mơr mới hoàn thành như ước nguyện của người dân vùng biên.

Theo Báo Gia Lai