Cần đẩy mạnh quảng bá tiềm năng du lịch Gia Lai

22/02/2012 07:23 AM


Năm Du lịch quốc gia 2012 với chủ đề “Du lịch di sản” bắt đầu bằng nhiều hoạt động sôi nổi tại cố đô Huế. Gia Lai là một trong những điểm đến có thế mạnh về di sản, tuy nhiên chưa đủ điều kiện để đăng cai một sự kiện văn hóa mang tầm cỡ như vậy. Gia Lai online có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về vấn đề này.

L.T.S: Năm Du lịch quốc gia 2012 với chủ đề “Du lịch di sản” bắt đầu bằng nhiều hoạt động sôi nổi tại cố đô Huế. Gia Lai là một trong những điểm đến có thế mạnh về di sản, tuy nhiên chưa đủ điều kiện để đăng cai một sự kiện văn hóa mang tầm cỡ như vậy. Gia Lai online có cuộc trao đổi với ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch về vấn đề này.
 
- Chúng ta có hoạt động nào hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Du lịch di sản” không, thưa ông?
 

 

2012 là năm du lịch Duyên hải Bắc Trung bộ, sự kiện này cũng vừa mới khởi động bằng một số hoạt động ở địa phương đăng cai là Thừa Thiên-Huế. Do đó, nếu được mời, Gia Lai sẽ tham gia ngay vì đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu và quảng bá du lịch. Trình diễn cồng chiêng, giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu, nghệ thuật tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, nghề thủ công mỹ nghệ… là những nét đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên mà chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế. 

 
- Năm Du lịch quốc gia đã tổ chức được 8 kỳ tính từ năm 2003 đến nay với nhiều tỉnh, thành đăng cai tổ chức. Ông cho biết khi nào Gia Lai có đủ điều kiện để đăng cai sự kiện văn hóa này?
 
Năm Du lịch quốc gia có ý nghĩa rất lớn, giúp địa phương giới thiệu, quảng bá được những điểm đến hấp dẫn với du khách bốn phương. Đây là bước đệm quan trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, phải sau năm 2020 Gia Lai có đủ điều kiện để đăng cai tổ chức sự kiện này.
 
- Đó là những điều kiện gì, thưa ông?
 
Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng phát triển du lịch và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký. Đi đôi với đó là hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch. Yếu tố an ninh chính trị cũng góp phần không nhỏ bởi sự thân thiện, mến khách, cởi mở phải được đề cao trong hoạt động thu hút, xúc tiến du lịch.  
Thác Phú Cường.
Thác Phú Cường.

Chúng ta phải khắc phục những tồn tại hiện nay của du lịch như nguồn nhân lực hạn chế, một số di tích lịch sử xuống cấp, danh thắng bị xâm hại thậm chí biến mất do quá trình đô thị hóa, sản phẩm du lịch chưa phong phú… Đơn cử như trước đây chúng ta có hàng chục thác nước đẹp có thể đưa vào khai thác du lịch nhưng nay chỉ còn lại thác Phú Cường (huyện Chư Sê). Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng…

 
- Chúng ta sẽ chọn thế mạnh nào để giới thiệu, quảng bá cho du lịch Gia Lai?
 
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh và thế giới biết đến, đây là di sản có sức hấp dẫn rất lớn và là lợi thế để khai thác du lịch vì Gia Lai là vùng đất lễ hội, còn lưu giữ hàng ngàn bộ cồng chiêng, nhiều lễ hội, nghề truyền thống…
 
Bên cạnh đó, chúng ta còn có hệ thống các di tích lịch sử xuyên suốt chiều dài lịch sử từ thời Quang Trung-Nguyễn Huệ đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Đó là các di tích cấp quốc gia như cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo với 200 năm lịch sử, làng kháng chiến Stơr, tượng đài chiến thắng Đak Pơ, đường 7 sông Bờ, chiến thắng Plei Me (thung lũng Ia Drăng)…  
 
- Sức hấp dẫn của di sản còn là những câu chuyện ẩn sâu bên trong những gì du khách nhìn thấy. Vì thế đòi hỏi đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có chuyên môn và kiến văn. Ông nghĩ gì khi đội ngũ này ở ta?
Đúng là khi đến thăm một di tích, người ta không chỉ xem sự hiện hữu của nó mà muốn tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử hình thành. Những di tích như Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu, Kho tiền Bok Nhạc, An Khê đình, An Khê trường… gắn với câu chuyện lịch sử cách đây 2 thế kỷ, người hướng dẫn phải có hiểu biết nhất định về lịch sử, giá trị của di tích mới làm thỏa mãn được sự tò mò của du khách. Hay như thăm lại đường 7 sông Bờ, đây là địa danh có ý nghĩa quan trọng đánh dấu ngày tàn của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn và chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng đó chỉ là một con đường như tất cả những con đường nếu không có người hiểu biết về sự kiện  này, làm sống dậy những giây phút kinh hoàng trong cuộc tháo chạy lịch sử ấy…
 
Phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, nhất là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch. Chúng ta đã nói nhiều đến điều này nhưng đây không phải là vấn đề dễ dàng, cần có lộ trình cụ thể.
 
- Cảm ơn ông!

Theo Báo Gia Lai