Gia Lai: Ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp nông thôn

09/02/2012 07:35 AM


Thực hiện Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước và Kế hoạch số 632 của UBND tỉnh, trong năm qua tỉnh đã cơ cấu lại dư nợ theo hướng tăng dư nợ lĩnh vực sản xuất 26,4% so với đầu năm, giảm dần tỷ trọng dư nợ phi sản xuất đến cuối năm chỉ còn 6,5% tổng dư nợ (giảm 52,2%), dư nợ khu vực nông nghiệp nông thôn tăng 23,7%, dư nợ xuất khẩu tăng 43% so với đầu năm. Vốn tín dụng thực hiện chặt chẽ, chú trọng hiệu quả sử dụng, đáp ứng hợp lý cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Thực hiện Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước và Kế hoạch số 632 của UBND tỉnh, trong năm qua tỉnh đã cơ cấu lại dư nợ theo hướng tăng dư nợ lĩnh vực sản xuất 26,4% so với đầu năm, giảm dần tỷ trọng dư nợ phi sản xuất đến cuối năm chỉ còn 6,5% tổng dư nợ (giảm 52,2%), dư nợ khu vực nông nghiệp nông thôn tăng 23,7%, dư nợ xuất khẩu tăng 43% so với đầu năm. Vốn tín dụng thực hiện chặt chẽ, chú trọng hiệu quả sử dụng, đáp ứng hợp lý cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ông Điền Hoàng- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Năm 2012 tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11. Để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng GDP 13% trong năm nay, ngành Ngân hàng cần một mức tăng trưởng tín dụng phù hợp. Ưu tiên số 1 trong năm nay vẫn là nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu. Theo đó, ngành sẽ bám sát danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, đảm bảo vốn tín dụng ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế cho vay lĩnh vực phi sản xuất; khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới phù hợp, nhất là ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt trong năm 2012, Chi nhánh sẽ chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn từ 25% trở lên, đạt khoảng 11.160 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT phải có dư nợ tín dụng khu vực nông nghiệp nông thôn từ 5.300 tỷ đồng đến 5.660 tỷ đồng (chiếm 75-80% dư nợ), tăng khoảng 1.040-1.400 tỷ đồng so với năm 2011. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội phải tăng trên 600 tỷ đồng trong năm nay ở lĩnh vực này, chiếm 80% dư nợ của chi nhánh. Đồng thời, khuyến khích tất cả ngân hàng khác phải có dư nợ nông nghiệp, nông thôn tương ứng khoảng 20% so dư nợ của từng đơn vị. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như: Cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, cho vay hỗ trợ xuất khẩu,… được đầu tư mạnh hơn.  
 

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm sẽ là 15% (năm 2011 là 12%). Lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cho biết kế hoạch tăng trưởng dư nợ dựa trên nhu cầu của khách hàng và chỉ tiêu được giao. Khả năng có thể tăng trưởng thêm nếu hiệu quả xoay vòng vốn tốt. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần mục tiêu tăng trưởng sẽ cao, đạt 25-35%.

Năm 2011 và 2012 là năm mà tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bị “khóa van” nên chỉ trong giới hạn, tuy nhiên hiệu quả sẽ đạt cao khi được đầu tư trọng tâm và thận trọng. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ xấu trong năm qua giảm 0,17% hiện chỉ còn 1,41%. Năm qua, nguồn vốn huy động tại chỗ của các ngân hàng đã cân đối được 45% cho nhu cầu vốn tín dụng.

Ông Phùng Ngọc Mỹ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định: “Hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội rất lớn. Trong lúc đó nguồn lực của dân, doanh nghiệp và nguồn lực để đầu tư rất hạn chế. Vốn huy động tại tỉnh khoảng 25-30%, còn lại khoảng 25-30% của doanh nghiệp và người dân. Hai khoản này cộng lại đạt khoảng 50-60%, còn khoảng 40% là vốn từ các ngân hàng (chủ yếu là các ngân hàng Trung ương đưa về). Như vậy, khẳng định được sự đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn hàng năm”.

Tuy nhiên, lãi suất thời gian qua ở mức quá cao khiến hoạt động của hầu hết doanh nghiệp giảm hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bình quân lãi suất cho vay ở mức 17-21%/năm. Năm nay, các ngân hàng trên địa bàn sẽ tăng cường tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất và áp dụng lãi suất cho vay về mức 17-19%/năm đối với khu vực sản xuất theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo Báo Gia Lai