Người giữ nhiều bộ chiêng quý

08/02/2012 07:37 AM


Ông là người hoàn toàn xứng đáng với “danh hiệu” “Người giữ hồn văn hóa dân tộc”. Hiện nay ông còn lưu giữ 9 bộ cồng chiêng trong đó có 4 bộ chiêng quý. Có những lúc gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn nhưng nhất định ông không bán chiêng. Không những thế, ông còn biểu diễn và chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, đàn T’rưng… Ông là Rơ Châm Hơn, ở làng Mit Jet, xã Ia O, huyện Ia Grai.

Ông là người hoàn toàn xứng đáng với “danh hiệu” “Người giữ hồn văn hóa dân tộc”. Hiện nay ông còn lưu giữ 9 bộ cồng chiêng trong đó có 4 bộ chiêng quý. Có những lúc gia đình ông lâm vào cảnh túng quẫn nhưng nhất định ông không bán chiêng. Không những thế, ông còn biểu diễn và chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, đàn T’rưng… Ông là Rơ Châm Hơn, ở làng Mit Jet, xã Ia O, huyện Ia Grai.

Được anh Ksor Diêu- cán bộ Văn hóa xã Ia O dẫn đường, bác Ksor Hơn đón chúng tôi ngay tận ngõ, trong bộ quân phục đã bạc màu. Dáng người nhỏ nhắn, đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi mắt ông còn tinh anh lắm. Mọi người ngồi quây quần nghe ông kể chuyện. Ông nói: “Có cán bộ văn hóa mình mới kể chuyện chiêng và cho xem chiêng. Người lạ là mình không cho đâu”...

Cõng chiêng chạy giặc

Ông cho biết, 9 bộ chiêng ông đang lưu giữ là của ông bà để lại. Ông kể: Ngay từ nhỏ ông đã mê các loại nhạc cụ dân tộc và đặc biệt là mê cồng chiêng. Có lẽ vì niềm đam mê này mà ông được nhà vợ yêu quý và trao cả tài sản quý giá nhất của gia đình là 9 bộ cồng chiêng để ông cất giữ. Năm 1962, ông giác ngộ cách mạng và tham gia bộ đội đánh Mỹ. Năm 1965 thằng Mỹ thả bom nhiều, làng mạc xơ xác, dân làng phải di tản, trước khi đi gia đình đào hầm chôn giấu tài sản, như chum, ché và các vật dụng khác, nhưng riêng chiêng là không gia đình nào để lại. Bố vợ ông đan 5 cái rọ mây để 4 người con trai cõng 8 bộ chiêng, và người cha cõng một bộ vượt sông Pô Kô sang đất Campuchia lánh nạn. Dọc đường chạy nạn, giặc Mỹ liên tục đánh bom. Lúc ấy mọi người nghĩ rằng: Người còn thì chiêng còn.

Ông Ksor Hơn đang giới thiệu chiêng quý. Ảnh: Phương Loan
Ông Ksor Hơn đang giới thiệu chiêng quý. Ảnh: Phương Loan

Có lẽ, Yang phù hộ mà tránh được hòn tên, mũi đạn, cả người và chiêng đều chạy đến nơi an toàn. Chúng tôi hỏi: “Sao lúc ấy không cất giấu chiêng cùng với chum, ché mà mang theo chi cho cực”. “Chiêng là linh hồn của đồng bào mình, máy bay bắn bao nhiêu thì bắn chứ nhất định không bỏ. Chết cùng chết với chiêng, sống cũng sống với bộ chiêng đó”. Nghe chồng nói vậy, bà Rơ Châm Ren tiếp lời: “Mình nhớ lúc còn nhỏ đã thấy bố mẹ đổi nhiều bồ lúa và cả đàn bò mộng mới có thêm cái chiêng nữa đấy. Khi vượt qua sông Pô Kô dựng nhà ở tạm, hàng ngày mọi người đi làm rẫy, riêng cha mình chỉ trông nhà và giữ chiêng”. Nói đoạn bà xuống bếp lấy ra một bầu rượu. Ông rót mời mỗi người một ly. Ông cùng “khà” một tiếng như thể nén lại nhiều chuyện không muốn bộc bạch...

Chiêng là máu thịt không thể bán

Chúng tôi hỏi: “Có khi nào hai bác định bán bớt đi những bộ chiêng không?”. Ông Ksor Hơn đáp không mất một giây suy nghĩ: “Chưa bao giờ mình nghĩ tới. Chiêng là máu thịt, là linh hồn của mình, làm sao có thể bán được”. Vừa dứt lời, ông dẫn chúng tôi vào gian phòng nơi cất giữ chiêng. Những bộ chiêng được xếp cẩn thận xung quanh giường ngủ của ông. Từng chiếc được bọc bằng vải thổ cẩm và xếp thành từng bộ. Mỗi bộ được bỏ vào một cái rọ tự tay ông đan bằng tre, mây trông rất bắt mắt và không kém phần nghệ thuật. Ông lấy ra một bộ chiêng Pát cho chúng tôi xem, rồi cẩn thận xếp vào chỗ cũ. Ông kể: “Trước đây có lúc gia đình mình khó khăn lắm. Vợ mình bị đau bệnh nặng không có tiền lấy thuốc, nhà cửa thì tạm bợ. Nếu chỉ bán bớt một bộ chiêng thôi có thể làm được nhà và chữa bệnh cho vợ.

Nhưng mình nghĩ trong mưa bom bão đạn, cha mẹ mình còn gìn giữ được, bây giờ gặp khó khăn mà mang chiêng bán đi thì sau này mình chết làm sao gặp mặt cha mẹ”. Rồi ông giảng giải: “Trong mỗi chiếc chiêng đều có Yang trú ngụ. Có nhiều chiêng thì có nhiều thần chiêng sống trong nhà, các vị thần sẽ phù hộ cho con người mình khỏe mạnh, làm ăn phát đạt”.

Có lẽ với niềm tin thiêng liêng ấy, mà ông Ksor Hơn đã dìu dắt gia đình mình vượt qua biết bao sóng gió, nguy nan để có được cuộc sống như hôm nay. Bây giờ ông đã xây được nhà ở khang trang; ông dành 2 buồng: 1 gian cất giữ chiêng, một buồng để cất ché, chum. Gia đình ông có nhiều nương rẫy và 2 ha cao su. Ông còn được mọi người trong làng và cả vùng lân cận gọi là nghệ nhân chỉnh chiêng. Đôi tai ông biết phân biệt âm thanh chuẩn của chiêng. Chiếc nào bị lạc âm, qua đôi bàn tay tài hoa của ông, chiếc chiêng sẽ lấy lại được âm thanh trong trẻo. Đoạn ông mang ra cây đàn goong tự tay ông làm. Ông ngồi đánh đàn. Bà vợ ngồi bên cạnh hát mấy câu dân ca Jrai mộc mạc, nguyên sơ nhưng đầy lãng mạn.

Qua thống kê, huyện Ia Grai còn lưu giữ số chiêng lớn nhất tỉnh với 1.116 bộ, riêng xã Ia O là xã có số lượng nhiều nhất: 517 bộ, trong đó có 202 bộ chiêng quý. Làng Mit Jép đang lưu giữ 78 bộ, có hai hộ dân lưu giữ nhiều nhất là hộ Ksor An và hộ ông Ksor Hơn, mỗi hộ lưu giữ 9 bộ.

Ông bà Ksor Hơn tiễn chúng tôi, đôi mắt họ ánh lên một niềm vui khó tả. Ông nói: “Mình giữ được báu vật của cha ông để lại mình thấy đời mình giàu có lắm. Mình dạy con cháu phải biết quý thần chiêng và bảo vệ những bộ chiêng quý của cha ông”.

Theo Báo Gia Lai