Giám sát hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND

14/12/2011 07:09 AM


Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND có hiệu lực, công tác này đã dần đi vào nề nếp. Từ năm 2005- 2010, hơn 145.000 văn bản được ban hành ở các cấp.

Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND có hiệu lực, công tác này đã dần đi vào nề nếp. Từ năm 2005- 2010, hơn 145.000 văn bản được ban hành ở các cấp.

Việc thực hiện các quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) là một nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2011.

Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về vấn đề này.

Báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho biết trước khi Luật ra đời, mỗi địa phương tự xây dựng một trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng văn bản, một số văn bản chồng chéo nội dung, không đảm bảo hợp hiến, hợp pháp.

Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND có hiệu lực (năm 2005), công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được các địa phương chú trọng thực hiện và dần đi vào nề nếp.

Theo tổng hợp của Chính phủ, từ năm 2005- 2010 có hơn 145.000 văn bản được ban hành ở tất cả các cấp. Nhìn chung, các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, trình tự, nội dung phù hợp Hiến pháp, pháp luật, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, có tính khả thi.

Tuy nhiên theo đánh giá của Chính phủ, chất lượng văn bản văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện và đặc biệt là cấp xã chưa cao, thường “sao chép” văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Liên quan đến vấn đề thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, Sở Tư  pháp có nhiệm vụ này. Một số tỉnh như Long An, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh có 100% các văn bản quy phạm pháp luạt được thẩm định.

Tuy nhiên, việc thẩm định còn gặp khó  khi giá trị pháp lý của văn bản thẩm định cũng như trách nhiệm của cơ quan được lấy ý kiến chưa quy định rõ trong Luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết thêm, không phải Sở Tư pháp nào cũng có Phòng Pháp chế, đủ nhân sự với chất lượng cao để đảm đương nhiệm vụ.

Đối với việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBDN, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết việc này còn đang bị bỏ ngỏ, nhất là việc giám sát các văn bản liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng,... gây khiếu kiện. Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có cơ chế để thực hiện hiệu quả việc giám sát nhằm giảm khiếu nại.

Để khắc phục những tồn tại, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổng kết toàn diện việc thực hiện Luật trên, làm cơ sở cho xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, áp dụng cho cả cấp Trung ương và địa phương.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động của HĐND, trong đó có hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các bộ kiểm tra, rà soát các văn bản do chính quyền địa phương ban hành thuộc phạm vi, lĩnh vực ngành quản lý để kiến nghị ban hành văn bản còn thiếu, sửa đổi văn bản không còn phù hợp...

 

Theo Chinhphu.vn