Hướng đi mới sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh
14/12/2011 07:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 13/12, Đoàn Công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đã kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội, tập trung vào công tác sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, tình hình quản lý, sử dụng đất đại tại tỉnh Bình Phước.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Những hướng đi của Bình Phước trong việc sắp xếp lâm trường là hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại địa phương. - Ảnh: Chinhphu.vn
Về công tác đổi mới sắp xếp các lâm trường quốc doanh, theo báo cáo của UBND tỉnh, trước khi đổi mới, sắp xếp, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 7 lâm trường, 6 Ban quản lý rừng.
Tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trước khi quy hoạch là 341.105 ha, trong đó rừng phòng hộ là 133.539 ha.
Thực hiện Quyết định số 245/2005/CT-TTg ngày 05/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh, tỉnh Bình Phước đã chuyển đổi, chia tách các lâm trường thành Ban Quản lý rừng và công ty lâm nghiệp.
Sau Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg ngày 5/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, kết quả sắp xếp, đổi mới các lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng được hợp nhất, giải thể. Một số Ban quản lý được chuyển về 4 Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Cao su Bình Phước, Cao su Phú Riềng, Cao su Sông Bé và Cao su Phước Long. Đây đều là các công ty thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Đến nay toàn tỉnh chỉ còn 3 Ban quản lý rừng độc lập là Ban quản lý rửng phòng hộ Lộc Ninh, Tà Thiết và Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung.
Sau khi quy hoạch 3 loại rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 178.730 ha, trong đó rừng đặc dụng là 31.282 ha, rừng phòng hộ là 44.898 ha, rừng sản xuất là 102.550 ha. Diện tích đất tách khỏi lâm nghiệp giao về địa phương quản lý là 162.275 ha.
Năm 2011, 17/18 chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13%. GDP bình quân đầu người đạt 27,28 triệu đồng/ người/ năm, tăng 23,6%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 165% kế hoạch và tăng 49% so với năm 2010.
Nét đặc thù tại Bình Phước là việc chuyển các Ban quản lý rừng về các công ty thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam quản lý. Theo phân tích của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thực tế nếu để hoạt động dưới mô hình Ban Quản lý, trung bình mỗi cán bộ phải chịu trách nhiệm quản lý hàng ngàn ha rừng.
Thực tế kiểm tra tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé và Cao su Phú Riềng cho thấy, sau khi chuyển về các công này quản lý, công ty đã điều chuyển linh hoạt lực lượng cán bộ, công nhân viên của mình cùng tham gia bảo vệ rừng. Đến nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, trộm cắp lâm sản đã hạn chế đáng kể, đời sống người lao động được đảm bảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu khẳng định nếu không chuyển các Ban quản lý về Công ty lâm nghiệp nhà nước thì không thể quản được rừng. Đây là giải pháp phù hợp với thực tiễn tại địa phương, đã đem lại hiệu quả tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng phân tích, chuyển ban quản lý, lâm trường về công ty cao su giúp bảo vệ rừng rất tốt, ngoài ra còn thay đổi một cách đáng kể thu nhập và đời sống của cán bộ, người dân. Từ chỗ không có công việc, lương thấp, không giữ được rừng, nay được trả lương, tổ chức sản xuất tốt, kết hợp cả bảo vệ rừng và sản xuất.
Các thành viên của Đoàn công tác Chính phủ cũng đã kiểm tra và bước đầu ghi nhận hiệu quả mô hình này.
Một hướng đi mới nữa của Bình Phước là định hướng để kết hợp chăn nuôi công nghiệp trong rừng cao su, vừa thu được nguồn phân bón hữu cơ để cải tạo đất, vừa đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Nghiên cứu, nhân rộng
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khảo sát dây chuyền chế biến mủ và sản xuất một số sản phẩm từ mủ cao su tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Phú Riềng. - Ảnh: Chinhphu.vn
Kết luận buổi làm việc, Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao những kết quả kinh tế – xã hội của Bình Phước trong bối cảnh khó khăn của năm 2011, đảm bảo được an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Về công tác đổi mới, sắp xếp nông, lâm trường, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng đây là nhiệm vụ rất khó, trong đó khó và nhạy cảm nhất chính là quản lý đất đai.
“Cơ chế cổ phần hóa đối với nông lâm trường cần được thực hiện một cách hết sức chặt chẽ vì liên quan đến đất đai, ở nhiều địa bàn còn liên quan đến an ninh quốc phòng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng hướng đi của Bình Phước trong việc sắp xếp lâm trường là hiệu quả, phù hợp với thực tiễn tại địa phương; đề nghị địa phương tổng kết, đánh giá một cách khoa học những điểm được, chưa được, từ đó có thể nghiên cứu nhân rộng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các Bộ, ngành trung ương nghiên cứu một cách thấu đáo những mô hình mới áp dụng trong thực tiễn chỉ đạo, điều hành và sản xuất của địa phương.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã cơ bản đồng tình với một số đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...