Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, liên tục các giải pháp đảm bảo ATGT
29/11/2011 07:56 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong các nội dung lớn được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kết luận tại Hội nghị triển khai công tác trật tự ATGT tổ chức ngày 28/11.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị triển khai công tác ATGT năm 2012 sảng 28/11. Ảnh: Chinhphu.vn
Theo Phó Thủ tướng, có nhiều nguyên nhân trong đó có nhận thức của các cấp, các ngành và người dân còn chưa đúng tầm, chưa đầy đủ nên biện pháp đưa ra chưa quyết liệt, thường xuyên, liên tục; có nguyên nhân do sự phối hợp của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị còn hạn chế; việc ban hành các văn bản còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là, có thành phố lớn còn làm trái quy hoạch, gây ùn tắc giao thông như việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, khu thương mại ở các khu trung tâm làm quá tải hạ tầng đô thị.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật mới đạt yêu cầu diện rộng, thiếu chiều sâu và mang tính hình thức, chưa tạo nên văn hóa, sự giáo dục về ATGT trong các cấp, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Công tác đào tạo, sát hạch lái xe của một số cơ sở chưa thật nghiêm túc, còn tình trạng dễ dãi, tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT có lúc có nơi chưa thực hiện đúng quy định, có chỗ còn để xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh. Đặc biệt là việc xử lý những điểm đỗ, điểm dừng chưa thật tốt.
Ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu, trong đó có những đơn vị vận tải còn “khoán trắng” cho lái xe, dẫn đến tình trạng vi phạm, không bảo đảm an toàn; tổ chức giao thông chưa đồng bộ, khoa học, còn nhiều bất cập gây xung đột dòng phương tiện, ùn tắc giao thông; việc triển khai các dự án giao thông còn chậm, xe buýt chưa cải thiện được nhiều thì lại cấp phép cho nhiều xe taxi hoạt động, trong đó có không ít xe dù; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa tốt dẫn đến những quy hoạch chồng chéo…
Đây là những nguyên nhân trên gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong thời gian vừa qua.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, các cấp các ngành phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ, liên tục các giải pháp đảm bảo ATGT, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục với các giải pháp thực hiện đồng bộ, quyết liệt, không lơ là, chủ quan.
Theo đó, đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động phong trào thực hiện văn hóa giao thông đến từng xã, phường, khu dân cư. Xây dựng các biện pháp hành chính mạnh như thông báo đến cơ quan nếu người vi phạm là cán bộ công chức, học sinh sinh viên.
Đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, có chế tài mạnh, đủ sức răn đe và khả thi để pháp luật được thực thi nghiêm tục trong cuộc sống, đi liền là hoàn thành chiến lược phát triển giao thông vận tải đồng bộ, hài hòa. Tổng kết Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị và đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vấn đề này trong tình hình mới.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các loại hình vận tải công cộng với các chính sách phát triển cụ thể đối với phương tiện và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, phát triển xe buýt, đi liền với các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, quy hoạch lại xe taxi. Kết nối các phương tiện giao thông giữa đường bộ, đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa.
Đặc biệt, có sự kết nối thông tin nhanh chóng giữa lực lượng công an và ngành giao thông, xây dựng chế tài xử lý lái xe và chủ xe gây tai nạn.
Nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, đầu tư hệ thống giám sát trên hệ thống quốc lộ. giải tỏa quyết liệt hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt với vai trò chủ công của các địa phương.
Tăng cường truyền thống đối với vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng với sự vào cuộc của tất cả các loại hình ở Trung ương và địa phương kết hợp với các hình thức tuyên truyền khác xuống tận cơ sở, khu dân cư.
Với những giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng cho rằng phải nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước như chống tiêu cực trong đăng kiểm xe, đào tạo, sát hạch lái xe, tuần tra kiểm soát liên tục. Tăng cường và nâng cao năng lực công tác cưỡng chế thi hành pháp luật như tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép, xử lý mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông với việc bổ sung biên chế, nguồn lực cho các ngành thực thi. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, đình chỉ nếu cơ sở có nhiều người vi phạm.
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt lập lại trật tự kỷ cương đường phố, giải phóng vỉa hè, lòng đường; khắc phục kịp thời các “điểm đen”; các địa phương chú ý lại tổ chức giao thông hợp lý. Trong đó, thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo chức năng nhiệm vụ của mình có phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh hợp lý trên địa bàn của mình...
Các bộ ngành tập trung tham mưu, đề xuất sửa đổi bổ sung các loại văn bản cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống; giao ban thường xuyên về công tác ATGT và kiểm tra, đôn đốc những kết quả đã làm được và chưa làm được để có giải pháp kịp thời.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...