Cần đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động

17/11/2011 07:38 AM


Những vấn đề về đời sống người lao động là một trong những nội dung chính được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) và dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) chiều 16/11.

Những vấn đề về đời sống người lao động là một trong những nội dung chính được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận ở tổ về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) và dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi) chiều 16/11.

 

Các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) - Ảnh Chinhphu.vn

Tại phiên thảo luận tổ của đoàn Đồng Nai- một trong những địa phương có số vụ đình công nhiều nhất nước (theo đánh giá của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội từ năm 1995- 2006), đại biểu Đặng Ngọc Tùng- Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng với mức lương tối thiểu và tình hình giá cả hiện nay, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

 

Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Bộ luật cần làm rõ hàng năm chỉ số giá tiêu dùng tăng bao nhiêu thì căn cứ theo đó để điều chỉnh mức lương tối thiểu.

“Khi chuẩn bị tăng lương thì ngoài chợ đã tăng giá hàng hóa nên đến lúc tăng lương cũng không hiệu quả ”, đại biểu Tùng nói.

Đối với quy định về thỏa ước lao động tập thể sẽ có tác dụng hạn chế tranh chấp, ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị khi doanh nghiệp đi vào hoạt động được một thời gian nhất định thì bắt buộc phải thực hiện Thỏa ước lao động tập thể. Hiện ở Việt Nam, cấp ngành kinh tế chưa có nhiều thỏa ước lao động tập thể, nhưng một số ngành như may mặc thực hiện Thỏa ước rất tốt.

Về vấn đề đình công, Điều 240 của Bộ luật quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền hoãn hoặc ngừng đình công khi thấy đình công gây nguy hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn Chủ tịch tỉnh liệu có thể xác định được việc đình công nguy hại cho nền kinh tế quốc dân và e ngại Chủ tịch UBND tỉnh sẽ lạm dụng quyền này, ảnh hưởng đến quyền lợi đình công hợp pháp của người lao động.

Theo nhiều đại biểu khác, cần phải tăng cường hơn nữa việc tham vấn, đối thoại về quyền, lợi ích của các bên liên quan tại cơ sở để giải quyết tranh chấp.

Liên quan đến những nội dung khác trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) như thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các đại biểu đều cho rằng tăng thời gian nghỉ thai sản là phù hợp với yêu cầu thực tế (hiện hành luật quy định là nghỉ thai sản 4 tháng).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần thống nhất thời gian nghỉ là 6 tháng, có ý kiến đề nghị là 5 tháng (đối với lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường), 6 tháng đối với lao động nữ làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại và giữ nguyên thời gian nghỉ 6 tháng đối với lao động nữ là người khuyết tật.

Về độ tuổi về hưu của lao động nữ, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nên để cho lao động nữ có quyền nghỉ hưu hay không khi đã 55 tuổi.

Theo các đại biểu này, không nên nghĩ rằng nhiều lao động nữ muốn làm việc tiếp khi đã 55 tuổi, thậm chí một số ngành nghề hiện nay cần phải quy định tuổi về hưu sớm hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) gợi ý, luật có thể quy định với cùng một xuất phát điểm, nữ giới sẽ có bậc lương cao hơn nam giới một hoặc hai bậc để khi họ về hưu (khoảng 55 tuổi với quy định giữ nguyên quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu) có bậc lương tương đương khi nam giới về hưu (60 tuổi).

Ngày 22/11 tới, dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại hội trường và sẽ thông qua tại một kỳ họp khác.

 

Theo Chinhphu.vn