Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012
10/11/2011 04:17 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 đã chính thức được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng nay, 10-11, với 450 phiếu tán thành, chiếm 90% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 740.500 tỷ đồng, nếu tính cả số thu chuyển nguồn năm 2011 chuyển sang thì đạt 762.900 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách Nhà nước là 903.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 140.200 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi xuống dưới 4,8%.
Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt; cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn thu…
Từ ngày 1-5-2012, thực hiện mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng/ tháng, phụ cấp công vụ 25% cho cán bộ, công chức. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tốc độ tăng lương tối thiểu.
Đầu tư trở lại không quá 30% số vượt thu so với dự toán thu hàng năm, nhưng dự toán thu phải cao hơn số thực hiện năm trước đối với số thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa thông quan tại các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn cho ngân sách các tỉnh có cửa khẩu quốc tế đường bộ.
Chính phủ dự kiến phương án phân bổ và sử dụng hợp lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, nhưng không quá 200 tỷ đồng/ năm đối với một địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế của khẩu trong giai đoạn 2012 – 2015.
Năm 2012, sẽ phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục quan trọng đã được Quốc hội cho phép, xây dựng phương án phân bố cụ thể đối với từng dự án, công trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước ngày 31-1-2012.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường các khoản chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên theo đúng dự toán được phê duyệt. Năm 2012 chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới, chuyển nguồn của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, chi cho các đề tài nghiên cứu khoa học, giảm chi chuyển nguồn trong đầu tư xây dựng cơ bản.
* Cũng trong phiên họp sáng 10-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015 cấp quốc gia và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Kinh tế lên, môi trường xuống
Nhận xét về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ, nội dung đánh giá những hạn chế của dự án còn mờ nhạt. Những số liệu trong dự án thiên về số lượng mà chưa đánh giá sâu về chất lượng rừng, tác dụng bảo vệ hệ sinh thái, khả năng sinh thủy… của rừng. Việc sử dụng vốn trong dự án được đại biểu nhìn nhận là còn nhiều sai phạm, nhưng cũng chưa được làm rõ.
Cùng quan điểm lo ngại về mất đa dạng sinh học, mặc dù diện tích “rừng” chung tăng lên, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) nói: “Thực tế là ở nơi đâu trồng rừng cao su thì không có loài động vật nào sống được dưới tán rừng, chim cũng không sống được, đa dạng sinh học rất kém. Rừng cao su đơn thuần chỉ có lợi ích kinh tế mà có nơi trải dài hàng ngàn ha, có khi đi 4-5 cây số cũng vẫn toàn cao su”.
Đại biểu Huỳnh Thành kiến nghị xem xét lại việc quy hoạch rừng sản xuất; quy hoạch thủy điện và đề nghị nâng thu nhập cho kiểm lâm viên, đặc biệt là ở cấp cơ sở. “Kiểm lâm viên ở xã được nhận có 1 triệu đồng/tháng làm sao mà tha thiết giữ rừng được”!
Nhiều đại biểu Quốc hội nêu quan điểm phải bảo vệ và phát huy thành quả của dự án trồng rừng bằng cách tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng trong những năm tới.
Đất lúa khó giữ, đất khu công nghiệp quá nhiều!
Bình luận về tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2001 - 2010, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) thẳng thắn cho rằng chưa hiệu quả. Đại biểu nêu ví dụ cụ thể về sử dụng đất khu công nghiệp, với tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) trên cả nước bình quân chỉ đạt 46%.
Ông đề xuất: không nên quy hoạch thêm đất KCN nữa, đồng thời rà soát, thậm chí loại bỏ một số khu kém hiệu quả để đất trống trong một thời gian dài. Về đất sân golf, theo đại biểu Lê Văn Học, sau khi Quốc hội có ý kiến rất gay gắt đã giảm xuống còn 90 sân, sau đó lại tăng thêm 28 sân nữa là bất hợp lý.
Trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn, quỹ đất dành cho giao thông đường bộ, kể cả giao thông tĩnh, là rất thấp, trong khi số cảng biển quá nhiều, cảng hàng không cũng vậy. Đất cho các dịch vụ xã hội như văn hóa, y tế… cũng chưa đáp ứng yêu cầu…
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nhấn mạnh yêu cầu giữ 3,8 triệu ha đất lúa. “Để bảo đảm thực hiện được quy hoạch thì sau khi quy hoạch phải có chính sách tài chính ngân sách kèm theo để giải quyết đời sống cho người nông dân trồng lúa”, ông Trần Du Lịch phát biểu.
Chia sẻ quan điểm với đại biểu Lê Văn Học về quy hoạch đất cho KCN, đại biểu Trần Du Lịch tính toán rành rọt: “Trong số đã quy hoạch đến năm 2010 có tới 90 khu còn đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa. Cũng trong số đã quy hoạch mới sử dụng có 46%, còn 64% còn lại đến bao giờ lấp đầy mà nay lại đưa thêm nữa”.
Để Quốc hội yên tâm biểu quyết về vấn đề này, theo ông, Bộ Tài nguyên Môi trường phải giải trình rõ về các vấn đề như tổng đầu tư cho một ha KCN là bao nhiêu. “Chúng ta sẽ thấy giật mình vì để lấp đầy 100.000 ha KCN còn lại mất bao nhiêu tiền, chưa kể từ nay đến 2015 mở thêm 50.000 ha KCN nữa thì bao giờ đủ vốn, bao giờ lấp đầy được KCN. Sẽ khó tránh được tình trạng đăng ký “ôm” đất, “ôm” dự án rồi bỏ đó”, TS Trần Du Lịch cảnh báo.
Theo SGGPO
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...