Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi và Luật Tài nguyên nước sửa đổi

04/11/2011 07:36 AM


Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo 2 Luật trên sau khi Chính phủ trình và các Ủy ban của Quốc hội đọc báo cáo thẩm tra tại hội trường vào chiều 2/11.

Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo 2 Luật trên sau khi Chính phủ trình và các Ủy ban của Quốc hội đọc báo cáo thẩm tra tại hội trường vào chiều 2/11.

Luật Bảo hiểm tiền gửi lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận trước khi phê duyệt trong khóa XIII.

Các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.

Đa số các đại biểu đều đồng tình với mô hình tổ chức của bảo hiểm tiền gửi do Thủ tướng thành lập, Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đánh giá mô hình này sẽ củng cố niềm tin của người gửi tiền.

Tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) băn khoăn về tính độc lập của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, bởi tính độc lập sẽ giúp chủ động giải quyết được những sự cố trong quá trình gửi tiền của cá nhân.

Về loại tiền gửi được bảo hiểm, một số đại biểu ở các đoàn Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hóa,… không đồng tình với dự luật cũng như ý kiến của Ủy ban Kinh tế khi chỉ quy định tiền đồng Việt Nam được bảo hiểm.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề xuất phương án nhận bảo hiểm ngoại tệ hoặc vàng nhưng có thể chi trả bằng đồng Việt Nam.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề, nếu không bảo hiểm ngoại tệ thì người dân sẽ gửi ngoại tệ vào ngân hàng nước ngoài (đóng tại Việt Nam), trong trường hợp này Nhà nước có bảo hiểm ngoại tệ này không?

Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ cần tăng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên ít nhất là gấp 2 lần mức chi trả 50 triệu đồng như hiện nay để thu hút người dân gửi tiền.

Về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), một số đại biểu đồng tình Luật cần điều chỉnh nước biển ven bờ như ý kiến của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, phải làm rõ phạm vi của nước biển ven bờ khi thủy triều lên hay khi thủy triều xuống. Đối với danh mục lưu vực nước cần quy định cả lưu vực sông suối, ao hồ,…

Các đại biểu cũng đề nghị việc lập quy hoạch tài nguyên nước nên để Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhằm đảm bảo tính thống nhất, chứ không nên để UBND tỉnh, thành phố thực hiện. Từ đó, nên quy trách nhiệm quản lý tài nguyên nước cho Bộ này vì trong dự án luật chưa đề cập đến cơ quan nào có trách nhiệm quản lý nước.

Đa số các ý kiến thảo luận tại tổ cũng đề nghị cần phải thu phí sử dụng tài nguyên nước.

Theo Chinhphu.vn