Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Luật Giáo dục Đại học

03/11/2011 08:24 AM


Ngày 2/11, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học gồm 12 chương, 67 điều được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội để lấy ý kiến lần đầu.

Ngày 2/11, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học gồm 12 chương, 67 điều được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội để lấy ý kiến lần đầu.

Đánh giá việc xây dựng Dự án Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) bảo đảm đúng trình tự, phù hợp với Hiến pháp, nhưng vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn cũng như giải quyết thấu đáo một số vấn đề quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH, cơ chế chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và các cơ sở GDĐH tư thục vì lợi nhuận hợp lý, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị việc xây dựng Luật cần chi tiết hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của một luật chuyên ngành và giải quyết sớm, hiệu quả những vấn đề cơ bản, cấp bách của GDĐH hiện nay

Trình bày Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết Dự thảo được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về GDĐH và đổi mới quản lý của cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng GDĐH, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở GDĐH, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn đầu tư của xã hội đối với GDĐH.

Điểm mới của Dự thảo Luật là đã cụ thể hóa được những nội dung quy định còn mang tính khái quát như quy định về cơ sở GDĐH, chính sách nhà nước về phát triển GDĐH, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH cũng như ưu tiên thành lập cơ sở GDĐH tư thục có vốn đầu tư lớn

Liên quan đến quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, theo Dự thảo Luật,  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể về điều kiện, mức độ trao quyền và xử lý các hành vi vi phạm

Theo Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đây là xu thế tất yếu và phù hợp với sự phát triển của GDĐH. Tuy nhiên Dự thảo cần quy định chi tiết hơn về đối tượng và lộ trình cụ thể thực hiện quyền tự chủ trong các hoạt động đào tạo của cơ sở GDĐH

Đánh giá cao bước đầu của Dự thảo Luật đã thể chế hóa chính sách xã hội hóa GDĐH với việc bổ sung định nghĩa về cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng đề nghị bổ sung thêm chính sách cơ chế phù hợp về thuế, đất đai, xây dưng trường, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đào tạo  cán bộ giảng viên nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH hoạt động phi lợi nhuận tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về kiểm định chất lượng đào tạo, theo đó, các trường phải có trách nhiệm thành lập đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học

Dự thảo Luật Giáo dục đại học sẽ được Quốc hội thảo luận chung vào ngày 14/11.

Theo Chinhphu.vn