Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sẽ có nhiều đổi mới

01/10/2011 09:07 AM


Chiều 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Chiều 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

 

Phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề án này sẽ tiếp tục được Quốc hội bàn thảo tại Kỳ họp thứ 2, khai mạc ngày 20/10 tới đây. Trước đó, Đề án này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý tại phiên họp thứ nhất diễn ra cuối tháng 8/2011. Tại phiên họp này, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tại kỳ họp Quốc hội tới sẽ có thể áp dụng ngay những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.

Tại cuộc họp chiều nay, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu tiếp tục cho rằng cần áp dụng một số đổi mới trong hoạt động của Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ 2.

Thay mặt Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất rút ngắn thời gian trình bày văn bản tại hội trường xuống còn 15 phút đối với mỗi báo cáo, tờ trình, dự án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với những báo cáo dài, có thể làm theo hướng gửi trước báo cáo cho các đại biểu, tóm tắt kỹ nội dung để có thể trình bày ngắn nhất…  

Theo Đề án, việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp theo hướng tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề và thông báo trước để đại biểu Quốc hội có thời gian chuẩn bị câu hỏi; dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp của đại biểu Quốc hội… Mỗi câu hỏi của đại biểu được quy định chỉ trình bày trong 2 phút.

Ban chỉ đạo xây dựng Đề án cũng bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri qua điện thoại, thư báo, đài phát thanh, truyền hình,… bên cạnh các hình thức tiếp xúc cử tri truyền thống.

Ngoài ra, Đề án tiếp tục đề cập đến việc đổi mới việc chuẩn bị và quyết định dự kiến chương trình kỳ họp, phiên họp; đổi mới cách thức tiến hành thảo luận tại phiên họp và việc ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đổi mới các hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và hoạt động giải trình tại các cơ quan này.

Theo kế hoạch, Đề án này sẽ được Quốc hội thông qua vào giữa năm 2012.

Theo Chinhphu.vn