Khai mạc phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
26/09/2011 01:41 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng nay, 26-9, phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc tại Hà Nội. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến vào dự án Luật Cơ yếu và dự án Luật Quảng cáo.
Theo Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Kim Khoa trình bày tại phiên họp, hiện còn hai vấn đề lớn liên quan đến dự luật Cơ yếu cần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu và vị trí của Ban Cơ yếu Chính phủ. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng thuận với đề nghị của Chính phủ chuyển Ban Cơ yếu từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Cơ yếu Chính phủ như hiện nay.
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu, nhưng Ban Cơ yếu là cơ quan mật mã quốc gia có chức năng quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với hệ thống tổ chức cơ yếu trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Ngoại giao, các cơ quan Đảng, nhà nước ở trung ương và địa phương; không phải là một đơn vị trong hệ thống tổ chức của lực lượng vũ trang. Vì thế, Ban cần được đảm bảo sự độc lập cần thiết về tổ chức, cán bộ, kinh phí và hoạt động để thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành đặc thù, chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất, chặt chẽ.
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều thống nhất với hai quan điểm lớn đã nêu trên, song đặc biệt lưu ý một số vấn đề mang tính kỹ thuật lập pháp.
Liên quan đến dự án Luật Quảng cáo, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đã trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ. Theo đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng tán thành phạm vi điều chỉnh như dự thảo mà Chính phủ trình là “về hoạt động quảng cáo, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo”. Điều này đồng nghĩa với việc đưa hoạt động thông tin cổ động, tuyên truyền chính trị ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật.
Một điểm mới của dự thảo được Thường trực Ủy ban ghi nhận là quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo và trách nhiệm pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh: “Quy định rằng người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và phát hành quảng cáo đều cùng phải chịu trách nhiệm về ấn phẩm quảng cáo là quá chung chung. Cần làm rõ trách nhiệm của các đối tượng này cũng như trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần nêu rõ “Cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình và bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo khi đưa ra quyết định không đúng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật”.
Về những nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo, Thường trực Ủy ban yêu cầu bổ sung quy định cấm doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo, nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng đề nghị Ban soạn thảo dự luật liệt kê đầy đủ các hành vi vi phạm và chế tài xử lý các hành vi đó (bao gồm cả hình thức xử phạt hành chính và hình thức xử phạt bổ sung) vào luật để nâng cao hiệu lực pháp lý của văn bản pháp quy này.
Theo SGGPO
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...