Sớm xây dựng Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp

12/08/2011 04:34 PM


Nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới đã được tạo ra, nhiều quy trình công nghệ được phát triển và ứng dụng trong sản xuất, góp phần tạo diện mạo mới cho nông nghiệp song cần sớm xây dựng Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp.

Nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới đã được tạo ra, nhiều quy trình công nghệ được phát triển và ứng dụng trong sản xuất, góp phần tạo diện mạo mới cho nông nghiệp song cần sớm xây dựng Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những thành tựu ngành Nông nghiệp đạt được thời gian qua - Ảnh Chinhphu.vn

 

Ngày 11/8, Hội nghị Tổng kết công tác khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2006-2011 và định hướng  2011-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã được tổ chức.

Theo báo cáo từ Bộ NNPTNT, giai đoạn 2006-2010 có 6.935 nhiệm vụ KHCN được triển khai, trong đó có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và sản xuất thử nghiệm các cấp. Nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới đã được tạo ra, nhiều quy trình công nghệ được phát triển và ứng dụng trong sản xuất.

Có thể kể đến một số thành tựu như nghiên cứu và tạo ra 273 giống cây trồng mới, trong đó có 97 giống cây trồng được công nhận chính thức.

Ở miền Bắc, giai đoạn 5 năm qua, nhiều giống lúa thuần ngắn ngày, năng suất cao và chất lượng tốt đã được chọn tạo và đưa vào sản xuất thay thế dần các giống lúa thuần Khang Dân, Q5 như BM 9820, , BM 9855, AC5, PC6…

Về cây ăn quả đã tuyển chọn được 19 giống cây mới, tạo năng suất và chất lượng rất cao.

Về chăn nuôi, thú y và thủy sản, đã lai tạo và chọn lọc thành công giống lợn lai khối lượng xuất chuồng từ 45-50kg lên 70-80kg và tỷ lệ nạc tăng từ 32% lên 52-57%. Tạo ra và từng bước hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, , tôm chân trắng, cua biển, ca tra, cá rô phi, ốc hương…

Các hoạt động KHCN đã dạng đã góp phần nâng cao năng suất và sản lượng nông sản ở các vùng sinh thái khác nhau. Chất lượng nguyên liệu và nông sản đã từng bước được cải thiện, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường nội địa và quốc tế. Kết quả nghiên cứu KHCN trong giai đoạn 2006-2010 đã đóng góp tích cực cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn trong 5 năm qua. Cùng với nhiều tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, lâm nghiệp đã đem lại giá trị gia tăng thêm hàng nghìn tỷ mỗi năm.

Vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2006-2011 cho  KHCN của Bộ NNPTNT chủ yếu từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với tổng số 804,46 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn rất hạn chế.

Bộ NNPTNT đã tích cực chỉ đạo triển khai, chuẩn bị thực hiện Nghị định 115 và phân cấp mạnh cho tổ chức KHCN để thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thí điểm cơ chế đặt hàng sản phẩm KHCN.

Đưa Việt Nam mạnh về nông nghiệp

 

Năng suất trong nông nghiệp tăng đáng kể nhờ ứng dụng KHCN

Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực hiện các đề tài, dự án của KHCN còn thấp vì nhiều đề tài, dự án sau nghiệm thu không đưa vào sản xuất, lý do có thể bắt nguồn từ nhiều khâu như khâu giao nhiệm vụ, thực hiện, đánh giá hoặc xuất khẩu thử nghiệm…

 

Năng lực của các tổ chức KHCN tuy có nâng cao hơn nhưng vẫn còn bất cập do thiếu cán bộ, tuyển cán bộ giỏi rất khó, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ…

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm KHCN nông nghiệp trực tiếp người nông dân sử dụng và nhân ra hoặc cơ quan quản lý nhà nước sử dụng nên không áp dụng được quyền sở hữu trí tuệ. Các thủ tục tài chính đối với đề tài dự án KHCN theo các quy định hiện hành vẫn còn hạn chế tính chủ động của cán bộ khoa học.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng một trong những vấn đề cẩn đổi mới ngay là cơ chế tuyển dụng cán bộ trong nông nghiệp để trước mắt là giữ chân được những cán bộ có năng lực, sau nữa là thu hút được những người giỏi vào ngành.

Ngay trong nội dung thi tuyển dụng cũng có nhiều điều cần thay đổi, vì trên thực tế nhiều ứng viên khi bắt tay vào việc thì làm rất hiệu quả nhưng khi thi viết thì lại không được điểm cao.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng các cơ chế phát triển khoa học công nghệ cần chú tâm hơn vào đối tượng là người nông dân và doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ chú trọng vào việc rà soát và điều chỉnh cơ chế trong các cơ quan nhà nước.

Sự liên kết giữa “2 nhà” là nhà nông và nhà doanh nghiệp mang yếu tố tiên quyết. Mối quan hệ này được nhuần nhuyễn thì bản thân Nhà nước cũng sẽ có những cơ chế để phục vụ được hiệu quả, từ đó các nhà khoa học cũng sẽ có cơ hội để phát huy các đề tài, công trình khoa học làm tăng giá trị nông nghiệp ngay từ khâu sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những thành tựu nổi bật của giới nghiên cứu KHCN Việt Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần làm rõ cơ chế giao và chọn đề tài nghiên cứu khoa học trong ngành NNPTNT, tránh chồng chéo, bất cập từ ngay đơn vị cấp quản lý cho đến các đơn vị tiêu thị sản phẩm đầu ra của khoa học nông nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NNPTNT cần sớm lập kế hoạch cụ thể để xây dựng Đề án sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về nông nghiệp.

Theo Chinhphu.vn