Sản xuất chè an toàn, mở hướng làm giàu mới

10/08/2011 07:50 AM


Đẩy mạnh sản xuất chè sạch, an toàn đã khiến giá trị kinh tế của loại cây trồng này được nâng cao và biến giấc mơ làm giàu của nhiều nông dân xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên trở thành hiện thực.

Đẩy mạnh sản xuất chè sạch, an toàn đã khiến giá trị kinh tế của loại cây trồng này được nâng cao và biến giấc mơ làm giàu của nhiều nông dân xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên trở thành hiện thực.

 

Những đồi chè an toàn ở xã Tân Cương - Ảnh: Chinhphu.vn

Về xã Tân Cương, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn những đồi chè sạch, chè an toàn xanh bạt ngàn mọc hai bên đường. Quy trình sản xuất chè khép kín, khoa học, coi trọng việc giữ gìn vệ sinh đang được nhiều người áp dụng.

 

Thực ra, độ mười năm về trước, một số người trồng chè ở xã Tân Cương đã bắt đầu sản xuất chè sạch. Nhưng sản phẩm chè an toàn đảm bảo chất lượng để xuất khẩu rmới là cái đích để nhiều người làm chè ở nơi đây hướng đến.

Ông Đào Quốc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho hay, từ năm 2007, Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên đã mở các lớp tập huấn sản xuất chè an toàn cho người trồng chè trong xã.

Tham gia các lớp tập huấn này, người trồng chè sẽ được cung cấp kiến thức và kĩ năng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh, ngăn ngừa và giảm thiểu những mối nguy cơ tiềm ẩn về hóa học, sinh học, vật lý có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, thu hoạch và chế biến nông sản.

Nhờ vậy, nhiều nông dân ở xã Tân Cương đã làm quen với quy trình sản xuất chè mới thay cho phương thức làm truyền thống kém hiệu quả.

Đơn cử, việc trồng và chăm sóc cây chè. Thay vì sử dụng phân bón hóa học như trước kia, người trồng chè đã biết tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây chè.

Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được người làm chè tiến hành một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định. Đặc biệt, thuốc trừ sâu bằng thảo dược và sinh học đang dần thay thế các loại thuốc hóa học.

“Hầu hết những người trồng chè trong xã đã có ý thức giữ gìn thương hiệu chè đặc sản Tân Cương. Người dân chú trọng sản xuất sản phẩm chè sạch, chè an toàn để đưa cây chè xã nhà vươn xa hơn nữa”, ông Văn nói.

 

Nhờ áp dụng những phương pháp kỹ thuật mới, những nương chè của gia đình anh Mai Viết Ái xanh tốt quanh năm - Ảnh: Anh Mai Viết Ái  bên đồi chè của gia đình (Chinhphu.vn)

Ban đầu việc làm chè an toàn chỉ diễn ra ở một số hộ ở xóm Hồng Thái 1 và xóm Hồng Thái 2. Trung bình mỗi cân chè an toàn thành phẩm bán giá cao hơn chè sản xuất theo lối cũ từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng.

 

Thấy các hộ này “phất lên” nhanh chóng nhờ sản phẩm bán được giá cao nên phong trào sản xuất chè an toàn bắt đầu “bùng phát” và đang trở thành hướng làm giàu mới của người trồng chè trên toàn xã.

Từ chỗ chỉ có vài ba hộ, đến nay khoảng 300 gia đình (chiếm 1/3 số hộ trồng chè của xã) tham gia sản xuất chè theo quy trình này. Thậm chí, một số gia đình làm chè nổi tiếng trong xã đã tìm được đầu mối xuất khẩu chè ra nhiều nước trên thế giới.

Ông Văn cho biết thêm, nhờ có cây chè mà đời sống của người dân xã Tân Cương ngày càng khấm khá hơn. Chỉ tính riêng năm 2010, tổng sản lượng chè thành phẩm của xã đạt hơn 1.000 tấn đem lại giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên 18 triệu đồng.

Không chỉ thế, xã Tân Cương đã thành lập các nhóm và câu lạc bộ các hộ chuyên làm chè an toàn để hợp tác cùng nhau làm giàu. Nhờ vậy nhiều nông dân đã trở thành triệu phú. Gia đình anh Mai Viết Ái, Chủ nhiệm câu lạc bộ sản xuất chè an toàn xóm Gò Pháo là một ví dụ.

Trước kia, những nương chè của gia đình anh Mai Viết Ái và các hội viên khác trong câu lạc bộ có những lúc bị chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Nhờ lớp tập huấn do Hội nông dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn về cách làm chè an toàn, anh đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây chè. Giờ đây những nương chè của gia đình anh xanh tốt quanh năm.

So với cách làm cũ anh đã tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đầu vào, trong khi đó chè thành phầm lại bán được với giá cao. Sản phẩm chè an toàn của gia đình anh làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Theo anh Mai Viết Ái, trong câu lạc bộ sản xuất chè an toàn xóm Gò Pháo, hộ làm ít cũng có tổng doanh thu gần 100 triệu đồng mỗi năm. Riêng gia đình anh, năm qua, đã xuất ra thị trường hơn 1 tấn sản phẩm chè an toàn, thu về hơn 200 triệu đồng.

Theo Chinhphu.vn