Vóc dáng Thủ đô sau 3 năm mở rộng
02/08/2011 07:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau 3 năm mở rộng, Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển toàn diện về cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; các nguồn lực của TP ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả.
Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của Hà Nội trong giai đoạn mới
Theo đó, Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, với diện tích 3344,60 km2 (tăng hơn 3 lần, chiếm khoảng 1% diện tích cả nước); dân số hiện gần 7 triệu người (tăng hơn 2 lần, chiếm gần 8% dân số cả nước) và 555 đơn vị hành chính, trong đó cớ 29 quận, huyện và thị xã.
Vừa tròn 3 năm Thủ đô Hà Nội được mở rộng và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có cả những bối rối và nghi ngại ban đầu, với bề bộn hàng núi công việc về ổn định tổ chức và tiếp tục phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt đến đời sống cả nước, cũng như Hà Nội.
Tuy nhiên, đời sống kinh tế-kinh tế Thủ đô vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển toàn diện.
Xét về tỷ trọng trong so sánh cả nước (theo giá so sánh 1994), Hà Nội hiện chiếm khoảng 13% GDP, trên 13% tổng thu ngân sách nhà nước, 13,2% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, khoảng 20% tổng đầu tư xã hội, khoảng 13% tổng mức bán lẻ, khoảng 11,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn 0,2% giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản và có số máy điện thoại bình quân/100 dân cao gấp 1,5 lần cả nước.
Đặc biệt, Thủ đô đang chiếm hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 33%.
Công tác xử lý ô nhiễm nước một số hồ và tiến hành xã hội hóa cải tạo một số hồ trên địa bàn thành phố đang được đẩy mạnh và thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ; 95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nội thành đã được thu gom và xử lý; lượng nước sạch cung cấp 614.000 m3/ngày đêm.
Hệ thống bưu chính - viễn thông được nâng cấp, phát triển và hiện đại hoá; 100% xã trên địa bàn, kể cả những xã mới sáp nhập vào Hà Nội cũng đã có điện lưới dùng trong sinh hoạt và sản xuất, hệ thống cáp quang TV và internet đang ngày càng mở rộng nhanh chóng, tạo niềm vui và động lực mới phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.
TP tiếp tục phát triển hệ thống giao thông đường bộ, tập trung xây dựng các đường vành đai, trục giao thông quan trọng; đồng thời xây dựng, cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường quan trọng, hình thành 125 tuyến phố văn minh, tạo diện mạo mới cho đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp điều kiện thuận lợi trong hội nhập, giao lưu quốc tế.
Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi vào mẫu giáo đạt 77%. Tỷ lệ học sinh vào lớp 6 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 98%. Phổ cập trung học cơ sở được duy trì, phổ cập trung học phổ thông và tương đương đạt 75% thanh niên trong độ tuổi. 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ thất nghiệp đô thị , tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố ngày càng giảm. 70% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Hà Nội hiện chiếm 34% tổng nguồn vốn huy động, 21% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng. Hàng năm, ước tính các giao dịch tài chính – ngân hàng (TC-NH) trên địa bàn chiếm khoảng 65- 80% tổng giao dịch TC - NH của khu vực phía Bắc và trên 50% tổng giao dịch TC - NH của cả nước, trong đó giao dịch trái phiếu Chính phủ chiếm trên 40%, giao dịch trái phiếu chính quyền địa phương chiếm 30%, giao dịch cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 50% và giao dịch tín dụng - thanh toán liên ngân hàng chiếm khoảng 60% tổng giao dịch cả nước…
Hà Nội đã có hơn 800 cơ sở lưu trú các loại với hơn 20.000 phòng; trong đó 222 khách sạn được xếp hạng với gần 14.000 phòng chất lượng cao, có khả năng phục vụ du khách, từ nguyên thủ quốc gia đi công cán, đến du khách nghỉ dưỡng dài hạn...
Cơ cấu kinh tế TP có sự cải thiện tích cực: dịch vụ chiếm 52,5%, công nghiệp và xây dựng 41,4%, nông nghiệp 6,1%. GDP bình quân/người đạt trên 38 triệu đồng, khu vực kinh tế Nhà nước tạo ra khoảng 45% GDP, kinh tế ngoài nhà nước tạo ra khoảng 38% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra khoảng 17% GDP.
Hiện Hà Nội có trên 2.000 doanh nghiệp trực tiếp hoạt động xuất - nhập khẩu tới 187 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (năm 2000 chỉ có 60 nước). Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị và hợp tác với trên 60 thủ đô, TP của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…
Về tổng thể, Thủ đô Hà Nội ngày càng mở rộng và phát triển toàn diện theo cả bề rộng và bề sâu, gắn kết hài hòa hơn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; các nguồn lực của TP ngày càng được khai thác và phối hợp hiệu quả. Quá trình tái cấu trúc kinh tế đang được thúc đẩy, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm chủ lực ngày càng cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và tô đẹp thêm cho cảnh sắc Thủ đô.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2050. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, tạo những động lực mới cho sự phát triển toàn diện của Hà Nội trong nhiều năm tới, cả về bề rộng lẫn bề sâu./.
TS.Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...