Phát triển bền vững chăn nuôi, giải pháp lâu dài cho giá thực phẩm

15/07/2011 08:10 AM


Đề xuất một số biện pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề giá các sản phẩm chăn nuôi, Cục Chăn nuôi dự báo xu hướng giảm giá thực phẩm chăn nuôi có thể xuất hiện từ cuối tháng 8.

Đề xuất một số biện pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề giá các sản phẩm chăn nuôi, Cục Chăn nuôi dự báo xu hướng giảm giá thực phẩm chăn nuôi có thể xuất hiện từ cuối tháng 8.

 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao. - Ảnh: Chinhphu.vn

 

Ngày 14/7, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm và biện pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi 6 tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cũng như qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2011 khoảng 2,460 triệu tấn, tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Do đó, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, có ba nguyên nhân chính làm tăng giá sản phẩm chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm. Thứ nhất, chi phí đầu vào tăng. Thứ hai, mất cân đối cung cầu tại một số thời điểm và cục bộ một số vùng. Thứ ba, khâu lưu thông phân phối phần lớn do thương lái quyết định dẫn đến chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại chuồng và giá đến tay người tiêu dùng.

Cục này cũng đưa ra dự báo trong 6 tháng cuối năm, thị trường thịt trong nước sẽ thiết lập mặt bằng giá mới thấp hơn từ 10 – 15%, chiều hướng giảm có thể xuất hiện từ cuối tháng 8.

Cục Chăn nuôi cho biết sẽ ghi nhận và tập hợp các ý kiến tại cuộc họp để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Hỗ trợ từ “gốc”

Theo ông Lê Văn Mẽ, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Sơn, chuyên sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, thủy sản, việc bình ổn giá cần tính đến hỗ trợ từ “gốc” là hỗ trợ cho những người chăn nuôi, sản xuất chứ không chỉ hỗ trợ “ngọn” là các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Văn Mẽ lấy ví dụ việc nuôi lợn hiện nay đã tiêu thụ đến 70% thức ăn ngoại nhập, do đó, chi phí chăn nuôi chịu ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi thế giới.

Về vấn đề tiếp cận đồng vốn, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng đây là trở ngại chung của người chăn nuôi, dù là nhỏ lẻ hay trang trại lớn.

Do đó, Cục Chăn nuôi cho rằng, về ngắn hạn, cần tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất tăng đàn, nhất là lợn thịt. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ các trang trại, hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Đặc biệt, phải tập trung mọi nỗ lực để kiểm soát được dịch, bệnh trên gia súc gia cầm. Nói như ông Chung Kim, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Long, chuyên cung cấp lợn giống cao sản, nếu không nâng cao được công tác thú y thì “người chăn nuôi một đời đi đánh bạc”.

Ông Chung Kim cũng đề nghị các doanh nghiệp cùng chung tay thành lập quỹ bình ổn và tổ tư vấn, kiểm soát dịch bệnh, tránh để người nông dân tự bươn trải khi gặp sự cố trong chăn nuôi.

Cục Chăn nuôi đồng thời nhấn mạnh tới việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông phân phối, có biện pháp chống gom hàng, tăng giá bất hợp lý. Cùng đó, có thể nghiên cứu lập quỹ bình ổn giá thịt lợn, duy trì chính sách bình ổn giá thực phẩm tại các địa phương như đã làm hiện nay.

Bên cạnh đó, tổ chức lại hệ thống dịch vụ phân phối sản phẩm chăn nuôi, cần xây dựng những kho lạnh để bảo quản sản phẩm vật nuôi khi lượng sản xuất trong nước đang dồi dào.

Quy hoạch chăn nuôi là yếu tố sống còn

Một giải pháp dài hạn khác được nêu ra tại cuộc họp là tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm thịt lợn, tăng thịt gia cầm, ổn định gia súc ăn cỏ. Để làm được việc này, các địa phương cần sớm quy hoạch vùng chăn nuôi hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển các trang trại gia cầm.

Việc sớm có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại gắn với cơ sở giết mổ công nghiệp và hoàn thiện một số quy định về điều kiện chăn nuôi trong nông hộ, chăn nuôi an toàn cũng sẽ góp phần đưa sản lượng và chất lượng thịt lên cao.

Theo nhiều doanh nghiệp, với những khu quy hoạch như trên, việc thống kê lượng thịt để cân đối cung cầu sẽ chuẩn xác hơn và việc kiểm soát tình hình bệnh dịch cũng dễ dàng hơn.

Quy hoạch không chỉ là vấn đề đất đai mà cần có chiến lược cho ngành chăn nuôi, chiến lược cần đi kèm những chủ trương, chính sách cụ thể. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch rõ ràng sẽ khiến người chăn nuôi “nhìn thấy tương lai”, từ đó chấm dứt tình trạng phân tâm về việc tái đàn như hiện nay.

Trong khi đó, ông Châu Diệp Trung, Công ty TTHH Huynh Đệ, đơn vị có hệ thống sản xuất chế biến thực phẩm khá lớn tại TP HCM lại cho rằng việc xây dựng ngành chăn nuôi phải bắt đầu từ tâm huyết của mỗi người làm chăn nuôi.

Do đó, ông Trung cũng kiến nghị cần có sự công nhận với những nhà đầu tư đã bỏ tâm huyết, công sức, vật chất… để cho ra đời những sản phẩm chất lượng và giá thành bình ổn. Những sản phẩm của các đơn vị này cần có xác nhận trên bào bì để người tiêu dùng biết đến, lựa chọn và từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất.

Theo Chinhphu.vn