Định hướng phát triển bền vững ngành điều

16/06/2011 01:38 PM


Điều là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đang phát triển tốt. Tuy nhiên, ngành điều đã và sẽ phải đối mặt nhiều thách thức.

Điều là một trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đang phát triển tốt. Tuy nhiên, ngành điều đã và sẽ phải đối mặt nhiều thách thức.  

 

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị khách hàng điều quốc tế Vinacas 2011 tổ chức mới đây tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương cho biết, Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị, hỗ trợ lãi suất, DN điều nên tiếp cận.

 

Đối mặt nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong năm 2010, ngành điều đạt kim ngạch xuất khẩu 1,135 tỷ USD, tiếp tục gia nhập nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và là năm thứ 4 giữ vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới với sản lượng 198 ngàn tấn điều nhân, chiếm tỷ trọng 50% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên từ năm 2011, dự báo ngành sẽ gặp nhiều khó khăn để giữ vững vị trí xuất khẩu hàng đầu hiện nay.

Hiện cây điều được trồng nhiều tại hai địa phương là tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Bình Phước, thủ phủ của ngành điều, đang xem cây điều là sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển về giống, kỹ thuật, vốn, máy móc thiết bị.

Tuy nhiên, thời gian gần đây diện tích điều đang giảm và có nguy cơ tiếp tục giảm. Thiếu lao động cộng với nguồn nguyên liệu điều không ổn định khiến DN sản xuất gặp khó khăn và phải nhập khẩu điều để chế biến. Một số DN chế biến công nghệ còn lạc hậu. Sản xuất của ngành vẫn trong tình trạng manh mún, thiếu liên kết. Dù sản lượng nhiều nhất nhì thế giới nhưng ngành điều Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và chưa có thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước cho rằng, diện tích điều giảm vì thu nhập từ cây điều không cạnh tranh lại với những cây công nghiệp khác. Thu nhập của người trồng chưa tương xứng với công sức trong chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, cây điều còn phải đối mặt với nguy cơ của việc biến đổi khí hậu.

Theo Vinacas, năm nay, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành điều Việt Nam là 190.000 tấn điều nhân, với kim ngạch 1,4-1,5 tỷ USD, tăng khoảng 32% so với năm 2010.

Vinacas nhận định, năm nay sẽ là năm khó khăn trong thu mua nguyên liệu. Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp tập trung thu mua điều trong nước và tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Phát triển đồng bộ trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ

Nhận thức được các vấn đề của ngành, Vinacas vừa trình Chính phủ “Chiến lược phát triển bền vững ngành điều Việt Nam giai đoạn 2010-2020”. Theo đó, ngành sẽ phát triển bền vững trong tất cả các khâu trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong và ngoài nước.

Trong đó Vinacas đặt mục tiêu giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều, đến năm 2015 chế biến được 190.000 tấn nhân điều thô, trong đó có 40.000 tấn chế biến sâu; xuất khẩu 150.000 tấn nhân thô và 30.000 tấn chế biến sâu.

Đến năm 2020 chế biến được 220.000 tấn nhân thô, trong đó có 100.000 tấn chế biến sâu; xuất khẩu 120.000 tấn nhân thô, tiêu dùng trong nước 35.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất này, Vinacas cho rằng sẽ giữ vững quy hoạch 3 vùng trồng điều Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ.

Riêng vùng điều Đông Nam bộ được coi là quan trong nhất vì là vùng thâm canh năng suất cao, nên quy hoạch ổn định khoảng 200.000 ha; hai vùng còn lại đề nghị quy hoạch ổn định khoảng 100.000 – 150.000 ha.

Củng cố phát triển 20 công ty đầu mối sản xuất - kinh doanh điều đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, có sản phẩm hàm lượng giá trị gia tăng cao và được gắn “Made in Vietnam”. Xây dựng thương hiệu điều cho Bình Phước, Đồng Nai và Hiệp hội Điều Việt Nam (thương hội).

Theo ông Nguyễn Thái Học, để thực hiện việc phát triển trên, ngành điều cần tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 khoảng 4.500 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.500 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư sẽ huy động từ mọi thành phần kinh tế, vay ngân hàng trong và ngoài nước, phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN, vay từ ưu đãi Nhà nước.

Ngành điều cũng nên tăng các hoạt động XTTM, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các chương trình XTTM, nhất là vào các thị trường như Bắc Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật…, chọn thị trường trọng điểm tổ chức các sự kiện. Các địa phương có nhiều diện tích điều nên xem lại giống sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhất là ở vùng Đông Nam bộ. DN trong nước cũng nên hình thành chuỗi giá trị điều Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đề nghị hình thành quỹ bình ổn giá điều thô nhằm giúp nông dân giữ diện tích trong lúc khó khăn cũng đã được đề cập tới.

Theo Dân Trí