Chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ

13/06/2011 07:25 AM


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai nhiều biện pháp, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão, vốn được dự báo trong năm nay sẽ diễn tiến phức tạp, khó lường hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai nhiều biện pháp, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong mùa mưa bão, vốn được dự báo trong năm nay sẽ diễn tiến phức tạp, khó lường hơn.

 

Diễn tập phòng chống lụt bão năm 2011 tại Nho Quan, Ninh Bình. - Ảnh: Báo Ninh Bình

Theo dự báo, năm 2011, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương trung bình nhiều năm và xuất hiện tương tự quy luật hằng năm. Trong đó, có 5 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, nhiều hơn năm 2010.

 

Ngày 15/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 547/CT-TTg về công tác phòng chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011. Trong đó, yêu cầu Các Bộ, ngành và địa phương tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão năm 2010, xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2011 sát với tình hình thực tế của địa phương, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.

Giải pháp linh hoạt, phù hợp từng địa phương
 

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Phòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tùy theo từng vùng và tiểu vùng, địa phương đề ra những giải pháp linh hoạt, phù hợp và khả thi.

Các huyện miền duyên hải phía đông như Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông nâng cao hiệu lực tuyên truyền về kỹ năng ứng phó thiên tai, bão tố cho nhân dân, kiểm tra toàn bộ hệ thống các công trình ngăn mặn, đê điều trước mùa mưa bão, xây dựng phương án hộ đê và di dời dân một cách chi tiết, cụ thể theo phương châm “4 tại chỗ”, kiểm tra trang thiết bị cho các phương tiện trên biển đảm bảo hoạt động tốt...

Đối với các huyện ngập lũ phía tây như Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước..., tỉnh chỉ đạo tốt việc bố trí mùa vụ theo hướng “né lũ”, đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa các cống đập và công trình thủy lợi trọng yếu, khẩn trương thi công và gia cố đê bao khu vực dân cư và vùng sản xuất chuyên canh trước mùa mưa bão...

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, năm 2011, tỉnh Tiền Giang dành trên 20 tỉ đồng phục vụ công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn.

Cà Mau nâng cấp đê biển Tây

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi cho biết tỉnh vừa tiến hành nâng cấp, cải tạo một đoạn đê biển Tây nằm trên địa bàn huyện U Minh, với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu euro.

Đoạn đê biển trên dài 8 km, từ cửa biển Hương Mai, xã Khánh Tiến đến cửa biển Khánh Hội, xã Khánh Hội (U Minh) đang trong tình trạng xuống cấp, sạt lở nặng sẽ được đầu tư nâng cấp, xây dựng bờ kè ngăn sóng, chống xói lở.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn có giải pháp khôi phục rừng phòng hộ ven biển, giải tỏa các hộ dân cất nhà trái phép trên rừng phòng hộ và hành lang bảo vệ đê biển, cắm mốc chỉ giới cho dân biết nhằm giảm áp lực chặt phá cây rừng và bảo vệ toàn cho cư dân trong mùa mưa bão.

Tây Ninh chú trọng bảo vệ các công trình trọng điểm

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các địa phương phải chú trọng vào các công trình trọng điểm như: hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, hồ suối Nước Trong, hệ thống tưới tiêu, vùng ven sông Vàm Cỏ Đông, ven sông Sài Gòn… Các hồ cần được kiểm tra thường xuyên, có phương án, kế hoạch toàn diện để đối phó kịp thời khi xảy ra thiên tai.

Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng có kế hoạch điều tiết nước tưới, tiêu hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm tích đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Cảnh báo kịp thời cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực tiếp trước khi xả lũ nhất là điều tiết lũ, bảo đảm an toàn cho hồ nước Dầu Tiếng.

Trong khi đó, Kon Tum cũng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng phải có kế hoạch phòng chống, bảo vệ các công trình đang trong quá trình thi công.

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có hơn 60 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập lụt… ở 9 huyện, thành phố. Để chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, tỉnh đã chuẩn bị 140 nhà bạt, 900 phao tròn và áo phao các loại, 6 ca nô, cắm hàng chục biển cảnh báo lũ quét và sạt lở đất theo mùa, theo cấp độ mưa ở 5 xã trọng điểm của tỉnh.

Lào Cai tập trung di dân khỏi vùng nguy cơ

Theo ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc - Trung tâm khí tượng thủy văn Lào Cai, mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm nay khá ác liệt và khó lường. Đặc biệt thời gian khoảng giữa tháng 6/2011 trở đi, mưa lớn sẽ liên tục xảy ra, gây lũ lụt, sạt lở đất đá... tại các huyện vùng cao.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các huyện, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã chủ động đưa ra các tình huống, phương án nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và tài sản...

Đặc biệt, huyện Bắc Hà tập trung vào chương trình sắp xếp dân cư, di chuyển các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất và bị lũ ống, lũ quét. Tính đến thời điểm này, toàn huyện đã có 58 hộ dân được bố trí đến khu tái định cư mới. Các khu tái định cư mới đều có đầy đủ cơ sở hạ tầng như đường giao thông, công trình nước sạch sinh hoạt, đất sản xuất có hệ thống kênh mương thuỷ lợi.

Các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Mường Khương, Bát Xát... cũng đã di dời hầu hết các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm.

Theo Chinhphu.vn