Xây dựng văn hóa dùng hàng Việt
08/06/2011 07:42 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 7-6 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai các nhiệm vụ trong năm 2011 và các giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động từ nay đến cuối năm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua. Cuộc vận động có hiệu quả tích cực, có tác dụng lồng ghép với việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Chọn mua sữa bình ổn giá tại Co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: Cao Thăng
Phó Thủ tướng cho biết, hiện tại sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, tỷ lệ nhập siêu của nước ta vẫn cao, trong đó tập trung vào máy móc thiết bị phụ tùng... Do vậy, tiềm năng phát triển ngành sản xuất là rất lớn. Khi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì doanh nghiệp cũng phải chú trọng sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm...
Phó Thủ tướng bày tỏ nhất trí với những đánh giá về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 5 tháng đầu năm 2011 và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động trong thời gian tới. Cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền về cuộc vận động một cách thiết thực hơn, đi vào lòng dân hơn. Điều này phải làm lâu dài, bền bỉ bởi đây là cuộc vận động xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với sản phẩm trong nước.
Bên cạnh đó, ngoài việc nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải nâng cao năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của sản phẩm, còn rất cần sự ủng hộ của người dân, của xã hội đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt. Cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, có số liệu phân tích cụ thể, có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém đối với từng ngành hàng, ngoài ra cần kiểm soát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các bộ, ngành cần có những chỉ đạo sâu hơn, kỹ hơn đối với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xã hội...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá cao ý nghĩa và hiệu quả bước đầu của cuộc vận động, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cuộc vận động ngày càng phát huy hiệu quả. Các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân về cuộc vận động, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động; làm tốt công tác quản lý thị trường, chăm lo cho sản xuất hàng Việt để tạo đất sống cho hàng Việt và đưa hàng về nông thôn, là xây căn cứ địa lâu dài cho hàng Việt…
Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2011 của cuộc vận động do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trình bày cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2011, Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động, một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo cuộc vận động một số tỉnh, TP đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động.
Từ thực tế triển khai tại các đại phương, cơ quan, đơn vị, Ban chỉ đạo các cấp đã kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất với các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.
Nhóm PV
Tính đến năm 2010, TPHCM có hơn 200 siêu thị lớn nhỏ tại các quận, huyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Theo đó, các cửa hàng tiện ích cũng tăng gấp 4 lần, với các hệ thống như Shop&Go có 47 cửa hàng, Co.opFood có 20 cửa hàng…
Tính trên giá trị, kênh mua sắm hiện đại (gồm trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị) tại TPHCM đã đạt khoảng 35% doanh thu bán lẻ, tăng gấp đôi so với mức 15% vào năm 2002, cao hơn mức bình quân 21% của cả nước. Ngược lại, số lượng chợ truyền thống tại TPHCM từ trên 300 chợ (năm 2005), nay chỉ còn gần 200 chợ. Những con số này cho thấy, thói quen mua sắm của người tiêu dùng TP đang có sự thay đổi mạnh mẽ từ các kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại.
Chọn mua hàng Việt Nam chất lượng cao tại Co.opmart Cống Quỳnh. Ảnh: CAO THĂNG
Trong khi đó, xu hướng kinh doanh nhãn hàng riêng (NHR) cũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng năm 2002 khi Metro Cash&Carry liên tục giới thiệu ra thị trường các NHR ở nhiều ngành hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ dùng nhà bếp, văn phòng…
Cho đến nay, NHR được xem là vũ khí cạnh tranh tối ưu để chiếm lĩnh thị trường của nhiều đại gia trong ngành bán lẻ tại Việt Nam như: Sài Gòn Co.op, Big C, Vinatex Mart… Qua khảo sát những nhà sản xuất liên kết với nhà bán lẻ phát triển NHR cho thấy có nhiều cái lợi từ việc liên kết này. Đó là nhà sản xuất có điều kiện tối ưu hóa công suất máy móc thiết bị, giảm chi phí mà không phải trở thành đơn vị gia công cho đối thủ trong ngành; khi liên kết với hệ thống bán lẻ trong việc tập hợp nhãn riêng sẽ được ưu tiên về vị trí, cách trưng bày, quầy kệ… trong siêu thị.
TPHCM đẩy mạnh việc kê toa thuốc trong danh mục bình ổn
(SGGP).- Ngày 7-6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về tiến độ triển khai việc bình ổn giá đối với 2 mặt hàng thuốc chữa bệnh và sữa bột dành cho trẻ em, người lớn tuổi.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM hiện có 3.656 nhà thuốc, trong đó có 2.640 nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Sau hơn 1 tháng triển khai bình ổn giá thuốc, sở đã làm việc với 400 nhà thuốc, ký kết để đưa 45 loại thuốc bình ổn vào bán tại 325 nhà thuốc (gồm 99 nhà thuốc của 99 bệnh viện, đạt 100%; 111 nhà thuốc của các DN và 115 nhà thuốc tư nhân).
Tất cả các nhà thuốc này đều tuân thủ đúng quy định của các cơ quan chức năng trong việc treo băng rôn của chương trình bình ổn, niêm yết giá thuốc… Đến cuối tháng 5-2011, doanh thu của 4 DN sau khi tham gia chương trình giá thuốc đạt khoảng 580 triệu đồng, tăng nhẹ so với bình quân doanh thu hàng tháng trước khi thực hiện chương trình. Nhiều nhà thuốc trước kia không hợp tác để phân phối thuốc bình ổn, nay cũng quay trở lại yêu cầu sở cho tham gia vào chương trình.
Sắp tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá về các loại thuốc bình ổn, mở rộng điểm bán cũng như vận động bác sĩ tại các bệnh viện tăng cường kê thuốc nội thay cho thuốc ngoại, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình.
Đối với chương trình bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và sữa dành cho người cao tuổi, đến nay Công ty Sữa Vinamilk và Công ty Sữa Nutifood đã triển khai đưa hàng bình ổn đến 244 điểm bán trên toàn TP. Về lượng hàng bán ra, sau hơn 1 tháng triển khai, Công ty Vinamilk đã đưa ra thị trường 18,39 tấn (31.942 hộp) với tổng giá trị đạt 6,11 tỷ đồng. Công ty Nutifood do mới triển khai chương trình nên chưa thống kê được số lượng hàng bán ra. Ngoài 179 điểm bán hàng bình ổn đã được triển khai, Nutifood đang có kế hoạch phát triển thêm 100 điểm bán tại siêu thị và 20 điểm bán tại các bệnh viện.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa năm 2011 đã được người dân ủng hộ trong bối cảnh giá sữa đang ở mức cao so với mức sống của người dân hiện nay và giá sữa ngoại liên tục điều chỉnh tăng, khẳng định sự đúng đắn từ chủ trương của TP trong công tác chăm lo an sinh xã hội, nhất là đối với người lao động thu nhập thấp. Các DN cần tích cực hơn nữa trong việc phát triển các điểm bán, trong đó ưu tiên cho các huyện ngoại thành, vùng sâu, xa. Phấn đấu doanh thu từ 2 nhóm mặt hàng sữa của Vinamilk và Nutifood tham gia chương trình phải tăng 10%-12%. Để đạt được kết quả này, Sở Y tế có nhiệm vụ phối hợp với các DN tiến hành nghiên cứu, phân tích và công bố kết quả, thành phần dinh dưỡng của các sản phẩm sữa bình ổn so với các loại sữa khác để người dân hiểu và lựa chọn. Cách làm này sẽ giúp người dân hoàn toàn an tâm khi sử dụng, tiết kiệm được chi tiêu trong bối cảnh giá sữa ngoại đang cao hơn 150% - 200% so với sữa nội.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các DN cần tích cực hơn nữa trong việc mở rộng các điểm phân phối thuốc, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa. Ngay trong tháng 6, Sở Y tế phải nhân rộng mô hình của Bệnh viện 115 trong việc kê toa thuốc trong danh mục bình ổn thay cho thuốc ngoại. Các sở, ngành cần phối hợp để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện bình ổn giá thuốc. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá về các mặt hàng bình ổn đến người tiêu dùng,...
Theo SGGPO
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...