Công bố 3 Luật, 1 Nghị quyết

21/04/2011 08:21 AM


Ngày 20/4, Các Luật Phòng, chống mua bán người, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Kiểm toán độc lập và Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được công bố.

Ngày 20/4, Các Luật Phòng, chống mua bán người, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Kiểm toán độc lập và Nghị quyết về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được công bố.

 

Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà giới thiệu Luật Kiểm toán độc lập - Ảnh: Chinhphu.vn

Các Luật này được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.

Nâng trách nhiệm cơ quan chức năng trong phát hiện các hành vi mua bán người

Luật Phòng, chống mua bán người có 8 chương và 58 điều. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Thế Liên, những năm qua có nhiều  văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, mặc dù vậy tình hình tội phạm mua bán người  nói chung và mua bán phụ nữ trẻ em nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Trong 5 năm (2004-2009), lực lượng Biên phòng, Công an đã khám phá 1.292 vụ, bắt 2.257 đối tượng.

Do đó, Luật đã dành toàn bộ chương II gồm 12 điều để quy định việc phòng ngừa mua bán người. Đồng thời Luật cũng nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động thanh kiểm tra (Điều 20) của các lực lượng Công an, Biên phòng.

Ngoài ra, Luật cũng xác định rõ 5 nhóm cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng sau khi bị mua bán từ nước ngoài trở về.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ kiểm toán

Với 8 chương 64 điều, Luật Kiểm toán độc lập có điểm mới đáng chú ý là Bộ Tài chính với tư cách cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán cũng như thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập

Luật cũng quy định, tiêu chuẩn trở thành kiểm toán viên là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên.

Kiểm toán viên phải có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức mới được đăng ký hành nghề .

Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, Luật quy định doanh nghiệp kiểm toán phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, để bảo đảm thông tin cho kiểm toán, Luật quy định nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán là cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời thông tin, không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán. 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Luật Kiểm toán được xây dựng trên cơ sở tổng kết gần 20 năm của hoạt động kiểm toán.

Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Tăng cường, quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức liên quan.

Quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được công bố lần này được xây dựng với quan điểm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân chủ, công khai, đơn giản, công bằng, thụân lợi cho người tham gia tố tụng dân sự thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; bảo đảm các bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành…

Điểm mới của Luật tập trung vào một số vấn đề, bao gồm nội dung xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thẩm quyền của tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức, vấn đề định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, trình tự hòa giải, thời hiệu khởi kiện…

Về nội dung xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thực tiễn công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phát hiện một số quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có sai lầm nghiêm trọng nhưng pháp luật tố tụng hiện hành chưa có quy định về vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Mặt khác, khoản 1 Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân chỉ quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chứ không quy định quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cuối cùng, do vậy cần thiết kế cơ chế đặc biệt khắc phục bất cập nêu trên.

Theo đó, Điều 310a của Luật quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Điều 310b quy định về thủ tục và thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Theo Chinhphu.vn