Tìm giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu cho các đô thị ven biển
20/04/2011 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ rệt, bài toán phát triển nói chung, đặc biệt là phát triển tại các đô thị duyên hải cần được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với những thách thức mới.
Chiều 19/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành hữu quan về việc xây dựng Đề án phát triển các đô thị ven biển Việt Nam ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH).
Với vị trí địa lý, chiều dài bờ biển, sự hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị lớn của nước ta chủ yếu là dọc theo các vùng duyên hải.
Theo thống kê, hiện có 405 đô thị với tổng dân số khoảng 20 triệu người, trong đó khoảng 4,1 triệu người sống ở 45 đô thị có vị trí nằm sát biển và vùng cửa sông lớn sẽ thuộc hệ thống đô thị ven biển.
Các đô thị này và vùng đồng bằng sông Cửu Long là những nơi phải sớm chịu tác động trực tiếp của thiên tai, bão lụt, triều cường, những hiện tượng cực đoan của tình trạng nóng lên của BĐKH.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận việc xây dựng về chương trình hành động cũng như giải pháp nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi của thiên tai, đồng thời tận dụng các cơ hội phát triển cho các đô thị ven biển.
Các giải pháp có tính cấp bách và lâu dài được phân loại theo nhóm đô thị duyên hải có vị trí địa lý khác nhau như: đô thị sát biển, đô thị gần biển, đô thị cửa sông ra biển, đô thị ven biển ngập mặn, đô thị gần các vịnh lớn và đô thị hải đảo.
Những nhiệm vụ được đề ra để thực hiện như phải rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn ven biển, xác định các vùng, khu vực phục vụ di dân đô thị bị tác động của BĐKH, nước biển dâng, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng liên quan, hướng dẫn công tác quản lý đô thị mới.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Xây dựng tập trung phối hợp nghiên cứu, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đánh giá mức độ và tác động của BĐKH đến từng đô thị ven biển của Việt Nam, trên cơ sở kịch bản quốc gia về BĐKH, từ đó lập quy hoạch, kế hoạch kiểm soát phát triển các đô thị chịu tác động trực tiếp của BĐKH, tiến tới triển khai thí điểm các chương trình đối với một số đô thị chịu tác động trực tiếp của BĐKH.
Phó Thủ tướng lưu ý việc lồng ghép các chương trình, đề án liên quan, đảm bảo sự đồng bộ trong Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó BĐKH đã được Chính phủ phê duyệt, đồng thời xác định các chương trình ưu tiên đối với đô thị ven biển, đảm bảo phát triển các đô thị bền vững, thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đến năm 2020./.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...