Tỷ lệ ứng cử đại biểu QH và HĐND đạt cao

09/04/2011 01:25 PM


Kết luận của Hội đồng bầu cử tại phiên họp thứ 3 cho biết, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân so với tỷ lệ được bầu đạt cao, đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật.

Kết luận của Hội đồng bầu cử tại phiên họp thứ 3 cho biết, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân so với tỷ lệ được bầu đạt cao, đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật.

 

Tập trung chuẩn bị tốt, để bầu cử thực sự trở thành ngày hội của toàn dân

Theo Kết luận của Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vừa được ban hành, công tác tiếp nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu, công tác hiệp thương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đảm bảo dân chủ.

10 đoàn đã được thành lập để kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, qua báo cáo cho thấy các địa phương đoàn đến giám sát đều thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thời gian, dân chủ, đúng pháp luật.

Website bầu cử đã được khai trương và cập nhật đầy đủ các văn bản, tài liệu chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bầu cử.

Tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND so với tỷ lệ được bầu đạt cao, đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật (tính trung bình, với bầu cử đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ 2,17 lần; với bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là 1,87 lần).

Cơ cấu kết hợp cũng đạt được tỷ lệ cao hơn hướng dẫn của Trung ương; đối với đại biểu Quốc hội: tỷ lệ nữ là 31,12%, đại biểu trẻ tuổi là 25,97%, đại biểu là người dân tộc thiểu số 12,62%, đại biểu tôn giáo là 1,88%, đại biểu là người ngoài Đảng 19,61%.

Đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, tỷ lệ nữ là 33,75%, trẻ tuổi là 20,15%. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn chưa đồng đều, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội trên số đại biểu được bầu ở một số địa phương mới đạt 1,67 lần và chỉ đảm bảo vừa đúng số dư theo quy định; về ứng cử viên nữ có địa phương tỷ lệ đạt rất cao 75%, nhưng có địa phương tỷ lệ từ 20 đến dưới 30%.

Tương tự, với bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, có nơi tỷ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu chỉ đạt 1,58 lần; tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh có nơi trên 51% nhưng có nơi đạt dưới 20%, tỷ lệ trẻ tuổi có nơi đạt trên 53% nhưng có nơi đạt 10%.

Một số địa phương có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND dân các cấp cao.

Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên, trong đó người ứng cử đại biểu Quốc hội có trình độ đại học trở lên chiếm 95,20%.

Thành lập 93.800 Tổ bầu cử

Về một số công việc trọng tâm tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Hội đồng bầu cử yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt thật sâu sắc các văn bản của Trung ương.

Tập trung thực hiện tốt Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; bảo đảm đúng cơ cấu, tiêu chuẩn, số dư theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo việc thành lập Ban Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Tổ bầu cử; đặc biệt chú trọng tới thành lập Tổ bầu cử vì số lượng lớn (có khoảng 93.800 Tổ bầu cử).

Chỉ đạo việc lập và niêm yết danh sách cử tri, niêm yết danh sách người ứng cử đúng thời hạn. Chú ý tới cử tri vừa đủ 18 tuổi, cử tri không xác định được ngày, tháng sinh.

Chuẩn bị các phương án để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra như thời tiết xấu bất thường; tình hình phức tạp về an ninh, trật tự; khiếu kiện đông người (những địa phương có điểm nóng về khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người cần sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm; kiên quyết xử lý tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo để gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng tới cuộc bầu cử).

Theo Chinhphu.vn