Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

01/04/2011 07:25 AM


TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bình Định, Đà Nẵng, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế là những địa phương đứng đầu, có điểm số về chỉ số tổng hợp hiệu quả quản trị và hành chính công cao nhất.

TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bình Định, Đà Nẵng, Hải Dương, Thừa Thiên – Huế là những địa phương đứng đầu, có điểm số về chỉ số tổng hợp hiệu quả quản trị và hành chính công cao nhất. 

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, nghiên cứu này đánh giá địa phương nào có được kết quả tốt trong quản trị và hành chính công -Ảnh Chinhphu.vn

Đây là kết quả của chương trình nghiên cứu “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2010: Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” do MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố hôm qua, 31/3, tại Hà Nội.

Chương trình nghiên cứu được tiến hành ở 30 tỉnh, thành phố.

Thủ đô Hà  Nội chỉ đứng thứ 18/30 tỉnh, thành phố  được khảo sát, nghiên cứu trong năm 2010. Nhóm các tỉnh có điểm số thấp nhất trong 30 tỉnh, thành phố  là Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Đắk Lắk. 

Theo TS. Đặng Hoàng Giang, đại diện nhóm nghiên cứu, PAPI là một bộ chỉ số đo lường khách quan về hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công tại địa phương dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân khi tiếp xúc với các cấp chính quyền và trong sử dụng dịch vụ công như y tế, giáo dục, giấy tờ, nhà đất… 

PAPI được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chú trọng tới sự tham gia của toàn xã hội vào việc giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách, coi ý kiến đánh giá của nhân dân là nguồn thông tin đầu vào hữu ích cho công tác hoạch định chính sách nhằm phản ánh những nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân,. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng, kết quả nghiên cứu này không phải là xếp hạng các tỉnh, thành mà là những đánh giá địa phương nào có được kết quả tốt trong quản trị và hành chính công, những hạn chế của các địa phương, nhằm rút ra những kinh nghiệm quý trong quản trị và hành chính công, từ những đánh giá khách quan của người dân, giúp ích cho các cấp chính quyền trong việc xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân tốt hơn.

 Nghiên cứu này  được thực hiện thông qua 6 trục nội dung lớn, gồm sự tham gia của người dân ở cấp cơ  sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công.

Theo bà Lê  Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư  pháp của Quốc hội, cố vấn chương trình nghiên cứu, chỉ số PAPI cung cấp những dữ liệu và thông tin khách quan giúp các hoạch định chính sách ở trung ương và địa phương; phân tích tác động của chính sách và rút ra những bài học cụ thể nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước và cải thiện mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ do Nhà nước cung cấp. 

Theo Chinhphu.vn