Nông sản xuất khẩu hướng đến giá trị gia tăng cao

12/03/2011 02:16 PM


Những mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, gần như tới ngưỡng xuất khẩu. Vì vậy hướng xuất khẩu nông sản bền vững phải hướng vào việc gia tăng giá trị hàng hóa.

Những mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, gần như tới ngưỡng xuất khẩu. Vì vậy hướng xuất khẩu nông sản bền vững phải hướng vào việc gia tăng giá trị hàng hóa.

Sản lượng xuất khẩu đã tới ngưỡng

 

Cần chú trọng hơn đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói để nâng cao giá trị mặt hàng

Theo kế hoạch xuất khẩu năm 2011, nhóm mặt hàng nông, thủy sản chỉ tăng 1,2% so với năm 2010. Cụ thể, thủy sản tăng 5% về kim ngạch (chỉ tiêu 5,2 tỷ USD), cà phê tăng 5% về kim ngạch (chỉ tiêu 1,8 tỷ USD), nhân điều tăng 1,2% về kim ngạch (chỉ tiêu 1,15 tỷ USD), sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 6% về kim ngạch (590 triệu USD)…

Đáng chú ý là, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm nông sản là gạo lại được đặt chỉ tiêu khiêm tốn là giảm 7% về kim ngạch so với với năm trước (chỉ tiêu xuất khẩu đạt 3 tỷ USD). Tương tự, cao su cũng giảm 4% so với năm 2010, khi dự kiến sẽ có kim ngạch xuất khẩu là 2,3 tỷ USD.

Đơn cử, như mặt hàng cà phê, năm 2009 Việt Nam xuất khẩu được 1,18 triệu tấn thì năm 2010 con số này là 1,17 triệu tấn. Mục tiêu mà Bộ Công thương đề ra với xuất khẩu mặt hàng này năm 2011 cũng chỉ là 1,15 triệu tấn.

Với diện tích trồng cà phê ổn định như hiện nay, thì nhiều khả năng sản lượng xuất khẩu, xoay quanh mốc 1,1 triệu tấn/năm sẽ vẫn được giữ trong một thời gian dài nữa.

Với mặt hàng chiến lược là gạo, năm 2009 Việt Nam xuất khẩu được 5,95 triệu tấn, năm 2010 con số này được đẩy lên tới 6,8 triệu tấn, nhưng năm 2011 mục tiêu được đề ra chỉ là 6,1 triệu tấn.

Bên cạnh việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước, sản lượng gạo xuất khẩu phụ thuộc vào sản lượng trong nước khá lớn.

Năng suất lúa ở Việt Nam hiện đã được coi là đạt mức trần, trong khi diện tích canh tác khó có thể tăng thêm, nên việc tăng sản lượng mặt hàng này cũng không hề đơn giản.

Như vậy, theo phân tích của các chuyên gia và lãnh đạo của các hiệp hội ngành hàng, sản lượng xuất khẩu của các nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam dường như đã chạm ngưỡng, khi không còn được mức tăng lớn nữa.

Giải pháp nào cho xuất khẩu nông sản bền vững?

Lâu nay, Việt Nam vẫn được biết đến như nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản với số lượng lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra bên cạnh giải bài toán số lượng là cả chất lượng để nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng.

Theo các chuyên gia, ngoài việc nâng cao năng suất, sản lượng cho cây trồng, vật nuôi, nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nên chú trọng hơn đến khâu chế biến, bảo quản, đóng gói thành phẩm.

Điều này đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách xuất khẩu, nhất là với mặt hàng nông, thủy sản, nhiều bài toán khó trong thời gian tới. Chẳng hạn, với mặt hàng cà phê, việc thu mua dự trữ là điều quan trọng nhất quyết định tới hiệu quả xuất khẩu.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, chính sách về tín dụng cho các DN xuất khẩu cà phê sẽ là “bệ đỡ” có tác động lớn tới hiệu quả hoạt động của xuất khẩu mặt hàng này.

Hay như với gạo, những biện pháp để ngăn chặn các DN trong nước lao vào cuộc chạy đua giảm giá xuất khẩu được ban hành cần phải được thực hiện nghiêm túc. Quy định về giá sàn xuất khẩu gạo trong từng giai đoạn sẽ giúp cho các DN giữ được thị trường và lợi nhuận, qua đó giúp người sản xuất lúa bán được hàng với giá cao hơn.

Với mặt hàng thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông báo một kế hoạch táo bạo của VASEP: cắt giảm sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2011. “Đây là hành động sẽ giúp giữ được giá xuất khẩu và cũng giúp cho các DN tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Dũng giải thích.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra mục tiêu tăng từ 8-10% giá trị sản xuất chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải phát triển theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa được bảo quản, nâng giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời sớm xây dựng mới các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề này.

Theo Chinhphu.vn