Để Tây Nam Bộ phát triển bền vững
09/03/2011 07:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hội nghị ngày 8/3 của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tập trung thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 của toàn vùng, trong đó chú trọng đến 3 lĩnh vực chính tạo động lực phát triển vùng là giao thông vận tải; giáo dục, dạy nghề và thuỷ lợi.
Ảnh: Chinhphu.vn
Diễn ra tại TP Cà Mau, Hội nghị tổng kết công tác năm 2010, phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 của Ban chỉ đạo do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.
Tăng trưởng kinh tế cao
Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Song Sơn cho biết, năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng Tây Nam Bộ ước đạt 12,2%. GDP bình quân đầu người ước đạt 21 triệu đồng, tăng 14% so với năm 2009.
Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích lúa gieo trồng 3,9 triệu ha, tăng 86 nghìn ha so với năm 2009, sản lượng ước đạt 21,5 triệu tấn. Khai thác, nuôi trồng thuỷ sản đạt 2,3 triệu tấn, tăng 230 nghìn tấn so với năm trước.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng đạt gần 120 nghìn tỷ đồng, tăng 16,71 % so với năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2010 ước đạt 6,83 tỷ USD, tăng 17,22% so với năm 2009.
Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 9,43% năm 2009 xuống còn 7,32% năm 2010.
Một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2011 của vùng Tây Nam Bộ là tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 12 – 13%; thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 7,5 tỷ USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) trên 2%.
Hạ tầng giao thông đi trước
Để vùng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, đại biểu các Bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận về kế hoạch phát triển giao thông vận tải; giáo dục, dạy nghề và bổ sung quy hoạch thuỷ lợi Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2050.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng phải đi trước một bước. Đặc biệt, cần kết hợp chặt chẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với thuỷ lợi, kiểm soát lũ và xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ. Đồng thời, tận dụng thế mạnh đường thuỷ nội địa, đường biển, đầu tư xây dựng cảng cho tàu biển lớn, nâng cấp hệ thống cảng và luồng tàu một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải của vùng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng phát triển thuỷ lợi Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được thực hiện theo định hướng hoàn chỉnh và từng bước nâng cao hệ thống đê biển, đê cửa sông để đạt cao trình chống mực nước biển dâng do bão và triều cường.
Cụ thể, sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cụm tuyến dân cư và bảo vệ các thị trấn, thị xã trong vùng ngập do lũ và nước biển dâng; xem xét các tuyến giao thông nông thôn khi xây dựng mô hình nông thôn mới trong vùng ngập theo cao trình mới, đảm bảo khả năng thoát lũ; nâng cấp và làm mới các trục thoát lũ, dẫn nước, tiêu nước cho các vùng Tứ giác Long Xuyên, tả sông Tiền, giữa sông Tiền – sông Hậu, bán đảo Cà Mau.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho Đồng bằng sông Cửu Long để đến năm 2015 đạt 200 sinh viên/1 vạn dân; đảm bảo cơ cấu hợp lý theo các ngành kinh tế, xã hội có thế mạnh của vùng.
Về dạy nghề, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, bình quân đào tạo 445.000 lượt người/năm; toàn vùng có 18 trường cao đẳng nghề, 35 trường trung cấp nghề và mỗi quận/huyện hoặc cụm quận/huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề hoặc trường trung cấp nghề.
Trước mắt, sẽ đầu tư xây dựng 10 - 12 trường trung cấp, cao đẳng nghề với những nghề gắn trực tiếp với yêu cầu, đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Kế hoạch cụ thể
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của toàn vùng năm nay là phải tổ chức thành công bầu cử, làm sao để cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp dân chủ, đúng luật, an toàn tuyệt đối, tiết kiệm và thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Về công tác chống lạm phát, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền cần tận dụng thế mạnh, đặc điểm riêng của địa phương để nâng cao sản lượng, tăng lượng lương thực, thuỷ sản cung cấp cho thị trường.
Cùng với các địa phương trong cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long cần kiên quyết tiết giảm chi tiêu thường xuyên ngân sách nhà nước, sắp xếp lại đầu tư, ưu tiên cho các công trình trọng điểm.
Đồng thời, nỗ lực tạo nguồn hàng hoá ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu, tìm cách cung ứng, tạo mạng lưới, dự trữ hàng hoá, kiểm soát giá cả.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến những chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với tinh thần huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Cần làm trước 5 tiêu chí quan trọng: giáo dục, y tế, đời sống người dân, văn hoá, an ninh trật tự.
Phó Thủ tướng đề nghị chậm nhất là 15/3, 13 tỉnh, thành của Tây Nam Bộ sẽ có ý kiến đóng góp về kế hoạch phát triển giáo dục, dạy nghề, giao thông vận tải và quy hoạch thuỷ lợi.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...