Khẩn trương trình Chính phủ Đề án Nâng cao tầm vóc và thể lực người VN

18/02/2011 07:27 AM


Làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngày 17/2, về kế hoạch công tác năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cuối tháng 2/2011, Bộ trình Chính phủ Đề án “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam đến năm 2020”.

Làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ngày 17/2, về kế hoạch công tác năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cuối tháng 2/2011, Bộ trình Chính phủ Đề án “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam đến năm 2020”.

 

Năm 2010, ngành VHTTDL đóng góp nhiều kết quả tích cực

Trong năm 2010 toàn ngành VHTTDL thực hiện được một số điểm nhấn quan trọng như: Thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Ban Tổ chức cấp Nhà nước các ngày lễ lớn; chủ động phối hợp tổ chức thành công Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Đảng, 65 năm Ngày thành lập nước…. Đặc biệt ngành đã chủ động cắt giảm một số hoạt động có nội dung không thiết thực, tiết kiệm cho ngân sách gần 200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn lần đầu tiên do Việt Nam tổ chức như Triển lãm ảnh quốc tế, Liên hoan phim quốc tế, Cuộc thi Hoa hậu Trái đất và Giải bóng đá quốc tế 1000 năm Thăng Long-Hà Nội… đã được thực hiện thành công.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, các hoạt động thể thao và du lịch về cơ bản hoàn thành được những chỉ tiêu đề ra. Riêng trong lĩnh vực du lịch đạt được những kết quả ấn tượng, trong năm 2010 đã đón được 5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 100.000 tỷ đồng, đóng góp 5,3% tổng GDP.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được ngành vẫn còn gặp nhiều hạn chế như việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở một số địa phương còn có dấu hiệu buông lỏng, chạy theo thành tích; một số nơi do khai thác quá mức lợi ích thương mại từ việc tổ chức lễ hội, trong ý thức văn hóa của một bộ phận không nhỏ người tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế đã làm nảy sinh tệ nạn và nhiều hiện tượng tiêu cực trái với những giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có của lễ hội…

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Năm 2011: Tạo chuyển biến mới trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược

Từ những hạn chế đó, toàn ngành đã xác định năm 2011 là tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bám sát thực tiễn, giải quyết tích cực những hạn chế, bức xúc, tạo chuyển biến mới trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược văn hóa, thể thao du lịch và gia đình.

Lĩnh vực văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực thi các chính sách, giải pháp, nâng cao hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền về nếp sống văn minh ở cơ sở… Chuẩn bị tốt lực lượng tham gia thi đấu đạt thành tích tốt tại SEA Games 26, vòng loại Olympic 2012 và ASIAD 17.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; chỉ đạo tốt Năm Du lịch quốc gia 2011 tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; hoàn thành mục tiêu đón 5,3 triệu khách du lịch với doanh thu 110.000 tỷ đồng.

Những định hướng quan trọng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nêu một số định hướng cho mỗi phân ngành của Bộ VHTTDL.

Cụ thể là, để ngành Thể thao xây dựng được một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho bước đầu hội nhập, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta cần xây dựng đề án cụ thể trong đó phải định vị được trong 10 năm tới Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào của khu vực.

Phó Thủ tướng đề nghị cuối tháng 2/2011, Bộ VHTTDL hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án “Nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam đến năm 2020”.

Cho ý kiến về ngành “công nghiệp không khói”- ngành Du lịch,  Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới ngành cần đảm bảo 5 cân đối trong phát triển. Đó là cân đối vốn, đất đai, nhân lực, tài nguyên và phối hợp giữa trung ương - địa phương.

Chương trình phát triển du lịch (từ đầu tư cho đến sản phẩm cuối cùng) cần phải có sự lồng ghép; khâu xúc tiến và sản phẩm phải đồng bộ, gắn những người sản xuất với người tiếp thị và bán sản phẩm. Tăng cường hợp tác công tư về hạ tầng, phát triển sản phẩm, xúc tiến sản phẩm…

Đề cập đến vấn đề xây dựng casino tại Việt Nam, Phó Thủ tướng lưu ý phải xây dựng đề án chi tiết, bài bản và có tầm nhìn của quốc tế, theo đó, đề án cũng phải nêu được những giải pháp hạn chế tối đa việc thất thoát cho ngân sách nhưng phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị chậm nhất trong tháng 3, Bộ VHTTDL phải trình Đề án về “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam” với mục tiêu hướng đến việc tạo ra những giá trị bền vững về văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng con người, qua đó hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam. Bên cạnh những công việc trên, Bộ VHTTDL cần chú trọng tới công tác quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn văn hóa.

Chú trọng phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp


 
Ảnh: Chinhphu.vn
 
 

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về kết quả công tác của toàn ngành trong năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011.

Phó Thủ tướng đặt ra một số vấn đề lớn mà Bộ KHCN cần tập trung như hình thành cơ chế hoạt động KHCN của quốc gia để KHCN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển; làm rõ cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN; nhất là hỗ trợ để các sản phẩm KHCN phát triển ở cấp độ cao hơn và ứng dụng rộng rãi trong xã hội; đồng thời rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý đề tài nghiên cứu khoa học.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ KHCN cần quan tâm, phát triển hoạt động của các lực lượng KHCN  trong các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế và sớm tổ chức Hội nghị chuyên đề nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHCN nông nghiệp. Đồng thời, Bộ cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền những thành tựu của ngành KHCN mà các địa phương và cả nước đạt được.

Theo Chinhphu.vn