Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong tổ chức, quản lý lễ hội

10/02/2011 08:05 AM


Gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm. Chiều 9/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.

Gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm. Chiều 9/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện chấn chỉnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.

 

Cần góp phần bảo vệ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của lễ hội - Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Những biểu hiện tiêu cực trong tổ chức lễ hội hiện nay như: tràn lan mở rộng quy mô lễ hội, trách nhiệm người quản lý và ý thức người tham gia lễ hội còn hạn chế, có chiều hướng thương mại hóa lễ hội... Vì vậy chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ là nhằm chấn chỉnh một thực trạng tiêu cực đang làm giảm đi giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội hiện nay.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Việc mời khách Trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ này và UBND các cấp tăng cường thanh, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong lễ hội như mê tín dị đoan, đốt đồ mã, đặt hòm công đức, đặt lễ, đặt "tiền giọt dầu" tùy tiện, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, nâng ép giá dịch vụ,...

Đối với các lễ hội quy mô lớn như Chùa Hương, Yên Tử, Phủ Dầy, Hội Lim, Đền Hùng, Đền Trần (Nam Định), Bà Chúa Xứ (An Giang),... UBND các tỉnh phải chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho nhân dân, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn cháy nổ, ùn tắc giao thông.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý công tác thông tin tuyên truyền phải đưa tin có thời lượng hợp lý, chủ yếu phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm.

 

Lễ hội ở nước ta rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Mỗi lễ hội đều mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng thường hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế...

Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng cũng vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bởi vậy, mỗi người dân đều cần phải có phần ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ, phát huy giá trị đích thực của các lễ hội truyền thống.

Theo Chinhphu.vn