Du lịch Việt Nam trước cơ hội lớn

06/02/2011 05:53 AM


Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã nhấn mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Đây là cơ hội thuận lợi để du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2011.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã nhấn mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Đây là cơ hội thuận lợi để du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2011.  

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn

Nhân dịp Xuân Tân Mão 2011, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL  Nguyễn Văn Tuấn đã trả lời phỏng vấn Cổng TTĐT Chính phủ về tình hình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo nội dung của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 của Chính phủ.

Xin ông cho biết năm 2011, ngành Du lịch hoạt động trong điều kiện như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2011, ngành Du lịch có những thuận lợi cơ bản đó là tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2010. Nhưng điều quan trọng nhất là Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đã coi ngành Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều này sẽ thay đổi đáng kể tới chính sách, định hướng và quy hoạch cho phát triển của ngành giai đoạn 2011-2010 tầm nhìn 2030. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để du lịch tiếp tục phát triển.

Bộ VHTTDL đang gấp rút hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến 2020, tầm nhìn 2030; Đề án phát triển du lịch sinh thái thuộc kế hoạch quốc gia về đa dạng sinh học đến 2020, định hướng 2030.

Ngành Du lịch Việt Nam đã xác định 7 nhóm nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm trong năm 2011, đề nghị ông nói rõ hơn về những mục tiêu này?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2011 là một năm quan trọng trong lộ trình phát triển của ngành Du lịch trong thời gian tới. Do đó, Tổng cục đã xây dựng và xác định hoàn thành nhóm 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay.

Thứ nhất là mục tiêu đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế, từ 30 đến 31 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch đạt 110.000 tỷ đồng, chiếm 4,5% GDP năm 2011.

Thứ 2 là triển khai Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2010-2025 tầm nhìn 2030 và các đề án phát triển du lịch giai đoạn 10 năm tới.

Tiếp đó là  tiếp tục tổ chức chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam trong và ngoài nước,đẩy mạnh xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Thứ tư là chú trọng đẩy mạnh, tập trung phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong năm nay tập trung cho phát triển du lịch biển và cùng với đó là phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và văn hóa.

Hoạt động trọng điểm thứ 5 là tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2011 tại Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với chủ đề Biển đảo. Trên cơ sở đó hình thành các vùng du lịch trọng điểm, hình thành bản đồ du lịch Việt Nam là động lực quan trọng đối với phát triển du lịch biển. Đây cũng là một chương trình nằm trong chiến lược phát triển du lịch trong thập kỷ tới.

Năm Du lịch quốc gia 2011 cũng là năm đầu tiên không phải chỉ một địa phương tổ chức mà cả 7 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận cùng phối hợp tổ chức với chiến lược phối kết hợp phát triển du lịch theo vùng miền trong đó Phú Yên là địa phương mở đầu cho chuỗi năm du lịch Quốc gia từ 2011-2017 (sau đó lần lượt là Thừa thiên Huế, Hải Phòng, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Kiên Giang, Lào Cai).

Cuối cùng là phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và quản lý phương tiện của người nước ngoài mang vào Việt Nam trong thời gian tham quan du lịch; Thông tư về quản lý khu, tuyến, điểm du lịch; Thông tư liên tịch quy định chi tiết kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch của Bộ VHTTDL và Bộ Giao thông vận tải; Thông tư liên tịch thay thế Thông tư số 03/2002/TT-NHNNVN về quản lý tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế của Bộ VHTTDL  và Ngân hàng Nhà nước.

Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia - Tiêu chuẩn xếp hạng tàu thủy du lịch; Tiêu chuẩn Quốc gia - Tiêu chuẩn thuật ngữ sử dụng trong hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch.

Tổng cục đã đề xuất Bộ cho triển khai nhóm 10 giải pháp chính sách, trong đó có chính sách giải quyết thông thoáng các thủ tục về visa và xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; tăng mức đầu tư cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến; cơ chế về quyền chủ động, năng lực cho cơ quan Tổng cục để nâng cao hiệu quả vai trò của Tổng cục Du lịch trong giai đoạn mới.

Để thực hiện hiệu quả nhóm 7 nhiệm vụ trọng tâm trên, Tổng Cục đã có những giải pháp, kế hoạch, chương trình cụ thể nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động quản lý chuyên ngành trong các lĩnh vực lữ hành, lưu trú du lịch và quảng bá, xúc tiến. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch có dấu hiệu cạnh tranh không bình đẳng, kinh doanh trái phép, từng bước đẩy mạnh chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm việc bảo vệ môi trường nói chung và đặc biệt là môi trường biển tại các điểm đến du lịch.

Tham gia các Hội chợ Du lịch Quốc tế lớn và Hội chợ Du lịch Quốc tế trong nước được tổ chức thường niên: Hội chợ Travex tháng 1/2011; Hội chợ FITUR tại Tây Ban Nha tháng 1/2011; Hội chợ MITT tại Nga tháng 3/2011; Hội chợ ITB tại Đức tháng 3/2011; Hội chợ JATA - Nhật Bản tháng 9/2011; Hội chợ ITB ASIA tháng 9/2011; Hội chợ WTM - London tháng 11/2011; Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh tháng 9/2011 và một số hội chợ du lịch tiêu biểu khác.

Xây dựng Đề án khai thác phát triển các thị trường khách: Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nga. Tổ chức các chiến dịch phát động thị trường và mời các đoàn khảo sát sản phẩm du lịch tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nga, Tây Âu, Mỹ và Bắc Mỹ. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương và tỉnh Phú Yên tổ chức thành công Năm Du lịch Quốc gia 2011. Đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch...

Tuy nhiên phải nói rằng Du lịch là ngành kinh tế mang tính tổng hợp, liên vùng, liên ngành rất cao, do vậy rất cần có sự hỗ trợ chính sách vĩ mô từ Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các bộ ngành, địa phương để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế đất nước.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn