Những ngày Tết đáng nhớ của Bác Hồ
05/02/2011 05:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 79 mùa xuân sôi nổi hào hùng của Bác, có những ngày Tết không thể nào quên đối với nhân dân ta.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Hà Bắc khi Người về thăm và chúc Tết đồng bào và bộ đội, Tết Đinh Mùi (2-1967).
Trước hết là ngày Tết năm Canh Ngọ (1930). Tại một địa điểm xa tổ quốc, trên bán đảo Cửu Long (Hồng Kông), Bác đã chủ trì một cuộc họp bí mật với đại biểu các tổ chức cộng sản đầu tiên ở trong nước, đặt ra yêu cầu cùng đoàn kết hợp nhất 3 tổ chức đầu tiên ở Bắc-Nam-Trung xây dựng thành một Đảng thống nhất cho cả nước: Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng ra đời kết thúc một giai đoạn khủng hoảng trong đường lối cứu nước, trở thành một tổ chức Đảng tiên phong, đi đầu mở lối cho một phong trào cách mạng của quần chúng được lãnh đạo trong một tổ chức chặt chẽ, có lý thuyết cách mạng tiên tiến soi đường, có chiến lược, sách lược thích hợp với bối cảnh lịch sử trong và ngoài nước.
Mười một năm sau ngày lịch sử ấy, nhân dân ta và đặc biệt là đồng bào Cao Bằng, đã có niềm vinh hạnh đón Bác sau 30 năm bôn ba đi khắp 5 châu 4 biển tìm đường cứu nước, đã bí mật trở về xúc động ôm trong tay hòn đất của tổ tiên ở cột mốc 108 nơi địa đầu biên giới, giữa bà con dân tộc thiểu số đang đón Tết năm Tân Tỵ (1941).
Bác về ở Pác Bó ngày mồng 2 Tết để chuẩn bị triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, điều chỉnh chiến lược và sách lược đấu tranh cách mạng cho phù hợp với hoàn cảnh khách quan của tình hình thế giới và trong nước. Bác chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Trên cơ sở phân tích như vậy, dưới sự chỉ đạo của Bác, Hội nghị đã nhất trí xác định lại nhiệm vụ chiến lược và tính chất của cách mạng Việt Nam: “Không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền (cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề phản đế với điền địa), mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp: dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”.
Mặt trận Việt Minh thành lập năm 1941 công bố Tuyên ngôn, chương trình với Điều lệ, trong đó nhấn mạnh rằng: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.
Bác giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng và phát triển lực lượng mạnh mẽ ở một số khu vực đầu tiên tại miền núi Việt Bắc cho các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng.
Đến mùa xuân năm sau (1942) nhiều “tổng hoàn toàn” và “châu hoàn toàn” theo Việt Minh đã xuất hiện ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Phong trào được lực lượng vũ trang của Tuyên truyền giải phóng quân cổ vũ và ủng hộ đã nhanh chóng tiến nhanh đến thời kỳ tiền khởi nghĩa và giành được thắng lợi hoàn toàn trong Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, giành được chính quyền độc lập trên cả nước khi Đảng mới 15 tuổi.
Mùa xuân năm Bính Tuất (1946) trong không khí hồ hởi của toàn dân đón mừng ngày Tết năm Độc lập đầu tiên, đêm 30, Bác ra Bờ Hồ Hoàn Kiếm, hòa trong dòng người hào hứng đón xuân ở Đền Ngọc Sơn, rồi bảo các đồng chí tùy tùng đến thăm mấy phố nhỏ, ngõ nhỏ gần hồ Hoàn Kiếm.
Bác rảo bước đến ngõ Phất Lộc, dừng chân trước một căn nhà lụp xụp trống tênh trống toàng, thì vừa gặp người chủ nhà là một phụ nữ đi gánh nước về nhà. Chị ngạc nhiên nhìn mấy vị khách lạ. Được hỏi vì sao đến gần giao thừa còn đi kiếm nước, chị đã trả lời chị đi gánh nước thuê cho những nhà khấm khá muốn có chum nước đầy ngày Tết để ra giêng có tiền của nhiều như nước. Bác xúc động nhìn chị chủ nhà với đàn con rách rưới, cả nhà không có gì là Tết. Người mẹ nghèo lúng túng nhìn khách đến không có chỗ ngồi. Sau phút ngơ ngác, chị định thần nhìn ra ông cụ cao tuổi trong đoàn đúng là Bác Hồ như trong ảnh.
Chị bàng hoàng ấp úng: Bác Hồ! Thưa Bác, sao Bác lại đến nhà cháu?
Bác cũng xúc động và nói: Không đến nhà cháu thì Bác đến nhà ai?
Bác nhìn mấy mẹ con chị, rồi nói với đồng chí Chủ tịch Hà Nội Trần Duy Hưng: Chú có thêm nhiệm vụ!
Và rồi một tháng sau, chị phụ nữ nghèo ấy được Ủy ban gọi cho đi làm một chân tạp vụ ở sở công trình thị chính Hà Nội.
Chị nhớ mãi cái đêm giao thừa được gặp Bác năm ấy.
Tết năm sau, những ngày hòa bình đã sớm chấm dứt, giặc Pháp gây hấn tiến hành cuộc xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc toàn quốc kháng chiến bắt buộc phải bắt đầu. Tết kháng chiến đầu tiên, năm Đinh Hợi (1947), ai cũng tưởng Bác đã lên chiến khu Việt Bắc, an toàn khu. Không ai biết, ngày Tết kháng chiến ấy, Bác đã lặn lội vào Thanh Hóa, với mục đích sâu xa: củng cố cho Thanh Hóa trở thành một hậu phương quan trọng, làm thế ỷ giốc cho Việt Bắc và đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Muốn thế, vấn đề con người, vấn đề cán bộ là vấn đề phải lo đầu tiên. Củng cố và nâng cao phẩm chất cán bộ để được lòng tin của nhân dân thì việc đầu tiên phải làm là phòng tránh và khắc phục ngay những bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, là việc cần thực hiện kiên quyết, không khoan nhượng. Hồ sơ còn lưu của Ban lịch sử Đảng tỉnh ủy Thanh Hóa còn ghi chép đầy đủ bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ chủ chốt toàn tỉnh Thanh hóa. Bác dặn dò:
“Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy- nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ, máy cũng bị tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Vậy cán bộ phải có đức tính như thế nào?
1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tực túc. Đừng kiêu ngạo, phải học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng, tiết kiệm.
2- Đối với đồng chí mình phải như thế nào? Phải thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ganh ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ, một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói.
3- Đối với công việc, phải thế nào? Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi, nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế, phải tránh.
4 – Đối với nhân dân: Phải nhớ đoàn thể (Đảng) làm việc cho dân, đoàn thể (Đảng) mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm, như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ.
Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin, muốn cho dân tin, phải thanh khiết (tức trong sạch, liêm khiết).
5 – Đối với Đoàn thể: Trước lúc mình vào đoàn thể nào, phải hiểu đoàn thể ấy là gì? Vào làm gì? Mỗi đoàn thể phải vì dân, vì nước. Khi bình thời phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm, phải hy sinh vì đoàn thể. Hy sinh tính mạng, lợi quyền, giữ danh giá của đoàn thể. Muốn giữ danh giá của đoàn thể, phải giữ danh giá của mình. Không được báo cáo láo như: làm thành một việc thì phóng đại, thất bại thì giấu đi.
Sau Hội nghị ngày Tết ấy, Bác còn gửi thư chung cho toàn thể các đồng chí Trung bộ, yêu cầu phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, cô độc, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo,v.v…
Bác đặc biệt lưu ý: “Thậm chí có nơi có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh làm cho được chức ủy viên này, chủ tịch kia. Còn những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo phát tài, lo chiếm của công thành của tư, đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc. Có nơi các đồng chí chẳng những không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau, tha thứ cho nhau, giấu cả đoàn thể. Thành thử càng này càng hủ hóa, càng hỏng việc”.
Những lời Bác khuyên nhủ cặn kẽ như trên, khi thấm vào gan ruột từng người, đã khiến cho Thanh Hóa rèn luyện được một đội ngũ cán bộ cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, được lòng dân nên đi đến thắng lợi trong mọi việc.
Lời Bác dạy trong Tết năm Đinh Hợi (1947) nay còn được in trong cuốn Hồ Chí Minh Toàn tập (tập I) để làm bài học luôn luôn mới, soi sáng đường cho chúng ta đi.
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...