Xây dựng chiến lược phát triển ngành Thống kê Việt Nam

21/12/2010 10:59 AM


Ngày 20/12, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tham vấn xây dựng chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2025” tại Bắc Ninh.

Ngày 20/12, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  tổ chức Hội thảo “Tham vấn xây dựng chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2025” tại Bắc Ninh.  

 

Ông Đỗ Thức, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định xây dựng Chiến lược thông kê có vai trò quan trọng. Ảnh: Chinhphu.vn

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc nhận xét, hệ thống thống kê Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đưa ra những số liệu có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu phát triển (như Luật Thống kê ra đời từ năm 2003; Chiến lược hệ thống chỉ tiêu thống kê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005...).

Thống kê kinh tế xã hội ở Việt Nam đã được phổ biến nhiều hơn cho các bên khác nhau để phục vụ hoạt động của Chính phủ cùng như đáp ứng nhu cầu thông tin cho doanh nghiệp và người dân.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc thống kê hiện nay tương đối kịp thời và đã có nhiều cải tiến, tuy nhiên trong lĩnh vực này vẫn còn những bất cập như  thông tin thống kê vẫn  nặng về số liệu hoặc bảng biểu mà chưa có sự so sánh, phân tích cụ thể.

Có đại biểu cho rằng, việc cập nhật phương pháp tính với các chuẩn mực quốc tế trong một số chỉ tiêu còn hạn chế.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Thức, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định việc xây dựng Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là rất quan trọng.

Theo đó, cần phải cụ thể hóa chiến lược này bằng các kế hoạch hành động cả ở cấp quốc gia và ở các địa phương cùng với việc chú ý tới nhu của cầu người sử dụng thông tin. Bên cạnh đó cũng cần có khung đánh giá, giám sát, chặt chẽ thực hiện chiến lược.

Thạc sỹ Đinh Hiền Minh, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét, các số liệu thống kê của bảng cân đối tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, số liệu ngân sách…cần cập nhật kịp thời để tạo điều kiện cho việc phân tích tình hình vĩ mô, phân tích chính sách, từ đó nâng cao hiệu quả dự báo kinh tế.

Một vấn đề nữa được đề cập là hiện nay, nguồn nhân lực ngành Thống kê còn thiếu và  trình độ chưa cao, nhất là ở các địa phương, do đó, cũng cần có những chính sách đào tạo đội ngũ cán bộ thống kê cũng như có chế độ đãi ngộ tương xứng để thu hút cán bộ công tác ổn định trong ngành.

Theo Chinhphu.vn