Tăng cường phối hợp trong xây dựng luật

24/11/2010 07:41 AM


Ngày 23/11, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Bồi dưỡng và nâng cao năng lực - Inwent (Đức) tổng kết hoạt động Dự án Inwent với nội dung chủ yếu là việc phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng pháp luật.

Ngày 23/11, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Bồi dưỡng và nâng cao năng lực - Inwent (Đức) tổng kết hoạt động Dự án Inwent với nội dung chủ yếu là việc phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong xây dựng pháp luật.

 

Ảnh: Chinhphu.vn

Tại Hội thảo, các chuyên gia Đức và Việt Nam đã báo cáo và trao đổi ý kiến về một số vấn đề lý thuyết cũng như thực tiễn trong việc tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan hành pháp và lập pháp, nhằm xây dựng được các dự thảo luật, pháp lệnh có chất lượng, khả thi.

Theo các chuyên gia, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét và thông qua các dự án luật, pháp lệnh là một yêu cầu đương nhiên đối với tất cả các quốc gia.

Các ý kiến thống nhất trong mối quan hệ hai hệ thống cơ quan cần tăng cường phối hợp trong nhiều khâu của quy trình xây dựng pháp luật, từ phân tích chính sách, thiết kế chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, xác định cơ quan soạn thảo, cách thức soạn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp đảm bảo minh bạch, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân, của doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chỉ ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa hai hệ thống cơ quan phải dựa trên những cơ sở phân biệt rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của hai bên, có sự phân công rành mạch, không chồng chéo nhiệm vụ riêng của từng cơ quan có liên quan của Quốc hội, của Chính phủ trong quy trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh.

Trên cơ sở đó, Hội thảo đưa ra một số kiến nghị để khắc phục những điểm còn bất cập trong mối quan hệ phối hợp nêu trên, mà trước mắt là rà soát lại toàn bộ hoạt động phối hợp để loại bỏ những hoạt động trùng lặp, đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, quy định cụ thể hơn các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp để làm rõ nhiệm vụ của từng chủ thể trong từng khâu, từng giai đoạn…

Tăng cường hơn nữa vai trò của Văn phòng Chính phủ với tư cách là cơ quan tham mưu, tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tham gia quá trình xây dựng pháp luật, từ khâu đưa ra các tư tưởng chỉ đạo đến thẩm tra, trình các dự án luật, pháp lệnh.

Theo Chinhphu.vn