Quá tải bệnh viện: Giảm hơn một nửa sau 3 năm

23/11/2010 07:42 AM


Số giường bệnh tăng thêm 32.000 giường, số bệnh nhân phải nằm ghép từ 15.000 người đã giảm xuống còn trên 6.000 người năm 2010 - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết.

Số giường bệnh tăng thêm 32.000 giường, số bệnh nhân phải nằm ghép từ 15.000 người đã giảm xuống còn  trên 6.000 người năm 2010 - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu trả lời chất vấn - Ảnh: VNA

Với hơn 90 phút đăng đàn trả lời chất vấn trong ngày 22/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời, giải đáp nhiều vấn đề mà 12 vị đại biểu Quốc hội đặt ra xung quanh giải pháp cho những bức xúc hiện nay của ngành y tế.

Tăng thêm 32.000 giường bệnh

Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Phương (Hà Nội) đều tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về các giải pháp  của ngành y tế nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, từng bước nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, tình trạng quá tải bệnh viện đã diễn ra từ nhiều năm trước, phổ biến không chỉ ở các bệnh viện tuyến Trung ương mà ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh.

“Khi về nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành Y tế, tôi đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng này. Kết quả điều tra năm 2008 cho thấy, ở các bệnh viện có khoảng 15.000 người phải nằm ghép mỗi ngày”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói tên như dân số tăng nhanh trong khi số bệnh viện tăng không đáng kể, tỷ lệ giường bệnh trên 1 vạn dân tuy có tăng nhưng vẫn thấp so với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, người dân thiếu tin tưởng cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới…

Giải quyết những vấn đề trên, Bộ Y tế đã và đang tiến hành nhiều giải pháp mang tính tình thế và căn bản như nâng cao chất lượng điều trị và giảm ngày điều trị trung bình một cách hợp lý. Cùng với việc xây mới 40 bệnh viện 500 giường, việc giảm diện tích các khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị đã tăng được 20.000 giường bệnh.

Ngoài ra, Bộ cũng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới thông qua luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về công tác tại các bệnh viện tuyến dưới để hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật.

Nhờ những biện pháp trên, đến nay đã giảm 30% số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Và sau 3 năm thực hiện, số giường bệnh đã tăng thêm trên 32.000 giường, số bệnh nhân phải nằm ghép từ 15.000 người đã giảm xuống còn  trên 6.000 người năm 2010, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết.

Thuốc sản xuất trong nước đạt 50%

 

Trả lời các chất vấn về công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS của đại biểu Nguyễn Thị Hoa, Bộ trưởng Y tế  cho biết, ước tính hơn 5 năm qua đã giảm được gần 100.000 trường hợp nhiễm HIV.

Về chất vấn của GS Nguyễn Lân Dũng xung quanh xây dựng nền công nghiệp dược, Bộ trưởng nhìn nhận, “công nghiệp dược nội địa sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu nhập 90%”.

Tuy nhiên, nền công nghiệp dược cũng đạt được những kết quả khả quan, trong 10 năm, sản lượng thuốc đã tăng 5 lần, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước cũng tăng từ 32% năm 2001 lên 50% năm 2009.

Trả lời về quản lý giá thuốc của các đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Bộ trưởng cho rằng hiện nay thị trường giá thuốc đã cung cấp đủ thuốc có chất lượng cho nhu cầu của nhân dân, cơ bản được duy trì ổn định, hầu hết không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm, y tế trong các năm qua có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2009 và 10 tháng đầu năm 2010, chỉ số CPI của nhóm hàng này chỉ tăng 3,2-3,5% so với CPI trung bình là 8,6% của 11 nhóm hàng trọng yếu khác.

Theo Bộ trưởng, hiện nay có 95% số lượng thuốc cơ bản, thông thường (21.000 mặt hàng thuốc) nằm trong danh mục được quản lý, giá cả ổn định và luôn bảo đảm đủ số lượng đáp ứng nhu cầu điều trị. Chỉ có 5% số mặt hàng thuốc, gồm những thuốc mới phát minh, thuốc trong diện bảo hộ, độc quyền, thuốc hiếm… thường có sự biến động giá, với khoảng 30 mặt hàng thuốc có biến động mạnh và thường xuyên.

“Điều này gây bức xúc trong dư luận xã hội và khó khăn cho các cơ quan quản lý giá, vì trong đó có nhiều mặt hàng là thuốc độc quyền của các công ty đa quốc gia”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết đã phối hợp với các bộ ngành sửa đổi một số văn bản về quản lý giá thuốc, chấn chỉnh công tác đấu thầu mua thuốc, quản lý chặt chẽ nhà thuốc bệnh viện và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cần xử lý mạnh tay với các vấn đề về y đức

Liên quan đến các vấn đề bức xúc hiện này là “bác sỹ kê đơn hưởng hoa hồng” mà đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) nêu ra, phiền hà trong khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế mà đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) đề cập, Bộ trưởng Bộ Y tế thẳng thắn thừa nhận đây là một thực tế đang tồn tại hiện nay.

Để giải quyết, cần có cơ chế kiểm tra gắt gao và xử lý mạnh tay, đồng thời nhấn mạnh đến y đức, lương tâm và lòng tự trọng của các cán bộ y tế.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua cũng có quy định về trách nhiệm xã hội của y bác sỹ. Theo đó, không thể có chuyện cả đời một cán bộ y tế chỉ làm việc ở Hà Nội mà không đi cơ sở, vùng khó khăn.

Liên quan đến nhân lực của ngành, Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện khả năng đào tạo nhân lực đại học đã tăng 1,7 lần, sau đại học tăng 1,6 lần, đào tạo cử tuyển tăng 8 lần, đào tạo theo yêu cầu tăng 1,6 lần.

Tuy nhiên, “có không ít bác sỹ ở nông thôn, miền núi đi học xong thì tìm mọi cách ở lại thành thị để hành nghề, vì thế nguồn lực cán bộ y tế nông thôn càng khó khăn, trong khi đó, nghề y lại “lương ít, học nhiều”, muốn hành nghề tốt cũng phải ra trường đến 3 năm”, Bộ trưởng Y tế nêu thực trạng.

Vẫn theo Bộ trưởng, sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến dẫn đến xu hướng cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi “dịch chuyển” từ tuyến dưới lên tuyến trên, dẫn đến việc người dân thiếu tin tưởng vào năng lực cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Theo Chinhphu.vn