Kinh tế phục hồi, đang trên đà phát triển

16/11/2010 07:32 AM


Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2011 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7- 7,5%, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Những phân tích từ góc độ thống kê dưới đây cho thấy rõ xu hướng chung của nền kinh tế là đang phát triển tích cực, làm căn cứ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nói trên.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2011 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7- 7,5%, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Những phân tích từ góc độ thống kê dưới đây cho thấy rõ xu hướng chung của nền kinh tế là đang phát triển tích cực, làm căn cứ cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng nói trên.

Nếu năm 2009, tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy trong quý I, thoát đáy vượt dốc đi lên từ quý II thì năm nay kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi, tiến tới phát triển.

Trước hết, sự phục hồi biểu hiện ở tốc độ tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP năm 2010 có một số điểm đáng lưu ý: Một là tốc độ tăng của năm nay cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Hai là tốc độ tăng có xu hướng cao lên qua các quý. Ba là, nếu ước quý IV và ước cả năm GDP đạt được như dưới đây thì tuy tốc độ tăng của năm 2010 còn thấp hơn tốc độ tăng của các năm từ 2000- 2007 (bình quân tăng 7,63%/năm, trong đó năm thấp nhất tăng 6,79%, năm cao nhất tăng 8,46%), nhưng đã cao hơn tốc độ tăng của năm 2009 (5,32%) và năm 2008 (6,31%), cho thấy xu hướng phục hồi đã thể hiện rõ.

Cuối cùng, đây là tín hiệu khả quan để chúng ta quyết định mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong  2011 và trong thời kỳ 2011- 2015.

Tốc độ tăng GDP năm 2009 và 2010:

 

Năm căn cứ để tin

Sự phục hồi thể hiện tương đối nhanh và rõ rệt đối với sản xuất công nghiệp. Mạch tăng giá trị sản xuất công nghiệp 2 chữ số trong 18 năm liền (từ 1991- 2008) nhưng đã bị ngắt quãng, rơi xuống đáy sâu nhất vào quý I/2009, sau đó thoát đáy vượt dốc đi lên từ quý II, tăng trưởng cao lên nhanh hơn qua các tháng, từ tháng 8/2009, mức tăng 2 chữ số đã trở lại, được giữ vững và liên tục đạt được cho đến nay.

10 tháng năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 và khả năng cả năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ tăng 13,7%, tuy còn thấp hơn tốc độ tăng trong các năm từ 2000 - 2008, nhưng đã cao gấp 1,8 lần tốc độ tăng của năm 2009. Điều đó cho thấy công nghiệp là lĩnh vực đang phục hồi nhanh nhất.

FDI thực hiện 10 tháng ước đạt 9 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2009; khả năng cả năm có thể đạt khoảng 11 tỷ USD, mức cao thứ 2 từ trước tới nay, chỉ sau kỷ lục 11,5 tỷ USD của năm 2008, cao hơn mức 10 tỷ USD của năm 2009 và cao hơn nhiều so với các năm từ 2007 trở về trước.

Tiêu thụ trong nước mà biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gọi tắt là TMBL) đạt kết quả khá. 10 tháng đạt 1.282 nghìn tỷ đồng; khả năng cả năm có thể đạt trên 1.510 nghìn tỷ đồng, tương đương 78 tỷ USD (năm 2005 đạt 30,3 tỷ USD, năm 2009 đạt 67 tỷ USD). So với cùng kỳ năm trước, TMBL tăng 25,1%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân thì tăng 15%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng (10,1%) của cùng kỳ năm trước và cao gấp đôi tốc độ tăng GDP. Như vậy, TMBL đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu 10 tháng ước đạt 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn hơn (31 tỷ USD so với 26,8 tỷ USD), có tốc độ tăng cao hơn (25,8% so với 20,4%). Tăng trưởng đạt được cao hơn ở nhóm hàng công nghiệp chế biến (33,9%), tiếp đến là nông, lâm, thủy sản (18%); tăng cao hơn về giá và tăng về lượng đối với một số mặt hàng; ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu.

Mới qua 10 tháng đã có 14 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ. Tăng trưởng đạt được ở nhiều thị trường, trong đó có các thị trường lớn tăng khá như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nếu 2 tháng còn lại đạt được mức như tháng 10, thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt trên 70 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2009, cao gần gấp 4 lần tốc độ tăng theo mục tiêu (6%) đề ra.

Nhờ tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu (10 tháng là 23,3% so với 20,7%), nên tỷ lệ nhập siêu đã thấp hơn cùng cùng kỳ năm trước (16,4% so với 19%); khả năng cả năm nay sẽ thấp hơn năm trước cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu.

Cuối cùng, một biểu hiện phục hồi khá rõ là khách quốc tế đến Việt Nam cả về lượng khách, cả về tốc độ tăng (10 tháng đạt 4,172 triệu lượt người và tăng 39%); khả năng cả năm có thể lần đầu tiên vượt qua mốc 5 triệu lượt người, vượt xa so với đỉnh điểm trước đây. Cùng với sự tăng lên của lượng khách là khả năng cao hơn về lượng ngoại tệ thu được (khả năng có thể vượt 4,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi năm 2009).

 

Hoạt động xuất khẩu là một trong những điểm sáng của nền kinh tế nước ta 10 tháng đầu năm nay

Những thách thức tiềm ẩn

Tuy nhiên, sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ chưa bền vững. Nói như vậy xuất phát từ hai mặt, một mặt là những hạn chế, bất cập hiện có của nội tại nền kinh tế đất nước; mặt khác là những khó khăn thách thức đang tiểm ẩn ở phía trước. Các hạn chế bất cập và khó khăn thách thức sau đây cần được quan tâm.

Sau 10 tháng (tức là tháng 10/2010 so với tháng 12/2009), CPI đã tăng 7,58%, gần bằng với mục tiêu điều chỉnh của cả năm. Nếu 2 tháng cuối năm nay tăng 0,39%, thì cả năm sẽ vượt qua mốc 8%; nếu tăng bằng với 2 tháng cuối năm 2009 (tháng 11 tăng 0,55%, tháng 12 tăng 1,38%) thì cả năm sẽ tăng 9,66%; nếu tăng bằng với mức 2 tháng qua thì vượt qua một chữ số.

Nếu tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (mặt bằng giá), thì CPI đã tăng 8,75%. Vì vậy, kiềm chế lạm phát trở thành vấn đề nóng nhất hiện nay, đặc biệt trong những tháng tới nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng lên.

Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt, như không tăng tỷ giá (để tránh nhập khẩu lạm phát làm khuyếch đại lạm phát ở trong nước); cho nhập khẩu vàng để giá vàng trong nước không cao hơn giá vàng thế giới và giảm thiểu tâm lý, kỳ vọng lạm phát; tăng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9%; tạm dừng chủ trương hạ lãi suất đầu vào, đầu ra mà để cho thị trường điều chỉnh nhằm hạn chế tiền từ ngân hàng ra lưu thông, hút tiền từ lưu thông vào ngân hàng; tăng quỹ bình ổn giá,...

Nhập siêu 10 tháng ở mức 9,05 tỷ USD, khả năng cả năm có thể ở mức thấp hơn năm trước (gần 12,9 tỷ USD) và thấp hơn mức kế hoạch của năm nay, nhưng đây là năm thứ 4 liên tục, mức nhập siêu (tính bằng tỷ USD) đã ở mức hai chữ số. Nhập siêu chủ yếu ở các thị trường không phải là công nghệ nguồn. Nguyên nhân nhập siêu chủ yếu do cơ cấu sản xuất, cơ cấu xuất khẩu còn mang nặng tính gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển; do hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; trong một bộ phận dân cư có tâm lý chuộng hàng ngoại,...

Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn ra phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản; việc khắc phục phải mất nhiều chi phí, công sức, thời gian,...

Mặc dù còn phải khắc phục những hạn chế, bất cập và còn phải vượt qua khó khăn, thách thức, nhưng xu hướng chung của nền kinh tế nước ta vẫn là đang trên đà phục hồi, là tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.

Theo Chinhphu.vn