UBTVQH góp ý dự thảo Luật Tố cáo

16/09/2010 07:30 AM


Tiếp tục phiên họp thứ 34, ngày 15/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo.

Tiếp tục phiên họp thứ 34, ngày 15/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tố cáo.

 

Phiên họp thứ 34 UBTVQH - Ảnh TTXVN

Dự thảo Luật Tố cáo  gồm 9 chương và 72 điều, với một số điểm mới như điều chỉnh việc giải quyết tố cáo vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ công chức, viên chức; vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Dự thảo Luật cũng bổ sung 1 chương mới về bảo vệ người tố cáo. Trong đó, ghi nhận quyền được bảo vệ bí mật của người tố cáo, yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, việc làm, trách nhiệm và các biện pháp của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhất là cơ quan công an trong việc bảo vệ người tố cáo, việc xử lý người vi phạm quy định  pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Một trong những vấn đề được nhiều đai biểu quan tâm là chủ thể tố cáo và tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo.

Đối với vấn đề chủ thể tố cáo, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng chủ thể tố cáo không chỉ là công dân mà còn có thể là tổ chức. Bởi trên thực tế, mặc dù Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành không quy định chủ thể tố cáo là tổ chức, nhưng có những trường hợp tổ chức vẫn đứng ra tố cáo. Hơn nữa các ý kiến này cũng cho rằng khi tổ chức đứng ra tố cáo sẽ phát huy được sức mạnh của tập thể. Mặt khác đây cũng là nguồn tin quan trọng để đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp tán thành quy định chủ thể tố cáo là công dân như trong dự thảo Luật. Theo Chủ nhiệm Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, việc tố cáo làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, vì vậy không thể quy định chủ thể tố cáo là tổ chức.

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội Ksor Phước, nếu có tổ chức tố cáo thì vẫn cần tiếp nhận và người ký đơn đó phải chịu trách nhiệm trước hết.

Đa số các đại biểu tán thành với dự thảo Luật là người tố cáo phải ghi rõ họ, tên địa chỉ của mình. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng băn khoăn về việc cần quy định đối với người tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét.

Theo Chủ nghiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội Trương Thị Mai, dự thảo đã bổ sung hình thức tố cáo bằng fax, email là tích cực, nhưng cần có cơ chế riêng cho các hình thức này. Cần bổ sung quy định trong trường hợp khẩn cấp để người tiếp nhận thông tin tố cáo có thể linh hoạt xử lý ngay thay vì ấn định cụ thể 15 ngày như trong dự thảo sẽ không phù hợp.

Theo Chinhphu.vn