Nợ đọng BHXH: Bất lực với chủ DN bỏ trốn?
14/09/2010 07:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sự bế tắc trong việc xử lý tài sản doanh nghiệp vắng chủ của các cơ quan chức năng khiến quyền lợi hàng ngàn công nhân thiệt thòi.
Sau nhiều năm không hoạt động, máy móc của Công ty An Jin (quận Bình Tân-TPHCM) xuống cấp trầm trọng
“Từ khi giám đốc bỏ trốn, chúng tôi mất khá nhiều thời gian, công sức để đòi lương và các quyền lợi khác song kết quả là con số không! Trong khi đó, tài sản, máy móc của công ty ngày một xuống cấp, giờ chỉ còn là một đống sắt vụn”. Đó là bức xúc của gần 150 công nhân (CN) Công ty TNHH Hojin (100% vốn Hàn Quốc) trong đơn gửi LĐLĐ quận Bình Tân - TPHCM mới đây. Quyền lợi... biến mất theo chủ Công ty TNHH Hojin hoạt động từ tháng 3-2003. Do làm ăn thua lỗ, tháng 10-2006, ông Kim Chang Ho, giám đốc công ty, đã bỏ về nước dù còn nợ 234 triệu đồng tiền lương của 157 CN và nợ BHXH hơn 361 triệu đồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CN, một mặt kiến nghị các cơ quan chức năng quận niêm phong toàn bộ tài sản của công ty, LĐLĐ quận Bình Tân còn vận động chủ khu đất, nơi công ty thuê làm nhà xưởng, cho để tạm số máy móc còn lại chờ phát mãi. Từ đó đến nay, dù LĐLĐ quận Bình Tân đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các sở, ngành chức năng TP can thiệp, giải quyết song tình hình vẫn bế tắc. Khốn khổ không kém là hàng trăm CN Công ty TNHH Jin Sang VN (100% vốn Hàn Quốc). Trung tuần tháng 4-2010, khi đến làm việc như thường lệ, CN tá hỏa thấy công ty đóng cửa. Nghi ngờ giám đốc bỏ trốn, CN lập tức báo cho các cơ quan chức năng. Qua xác minh, cơ quan chức năng quận 12 phát hiện giám đốc công ty đã bỏ trốn từ 4 ngày trước; đồng thời đã cho chuyển một số tài sản đi nơi khác dù còn nợ lương của 67 CN khoảng 135 triệu đồng. Sau khi vụ việc xảy ra, UBND quận 12 đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quận niêm phong số tài sản còn lại để có cơ sở giải quyết quyền lợi CN; đồng thời kiến nghị các sở, ngành TP chỉ đạo giải quyết vụ việc. Thế nhưng, đã hơn 6 tháng trôi qua, tình hình vẫn không có gì biến chuyển và CN tiếp tục... chờ. Hai năm, vẫn giậm chân tại chỗ Việc xử lý, thanh lý tài sản ở các doanh nghiệp (DN) vắng chủ trong thời gian gần đây vẫn đi vào bế tắc trong sự thất vọng của hàng ngàn CN. Điển hình là vụ việc tại Công ty TNHH Vina Haeng Woon Industry (100% vốn Hàn Quốc; quận 8-TPHCM). Tháng 10-2009, do làm ăn thua lỗ, bà Noh - Yeon Hong, giám đốc công ty, cùng một số cán bộ quản lý bỏ trốn, đẩy 700 CN vào cảnh mất việc. Sau khi vụ việc xảy ra, khoảng 500 chiếc máy may đã được các cơ quan chức năng quận 8 niêm phong, chờ xử lý. Thế nhưng, đã 1 năm trôi qua, việc xử lý số tài sản nói trên vẫn bế tắc. Hiện toàn bộ tài sản, máy móc, sau một thời gian dài không sử dụng, đã hư hỏng. LĐLĐ quận 8, đơn vị được tập thể CN ủy quyền khởi kiện, cũng hết sức mệt mỏi, bởi theo thông tin mới nhất tiếp nhận từ TAND TPHCM, hiện vụ án này còn vướng thủ tục “ủy thác tư pháp”. Bao giờ mới phân cấp Có một thực tế: Khi các vụ việc vỡ lở, các cơ quan chức năng, cụ thể là phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện đều lúng túng, bởi thẩm quyền quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài thuộc Sở LĐ-TB-XH TP. Khi tranh chấp xảy ra tại các DN này, cơ quan lao động quận, huyện phải mất nhiều thời gian bởi không nắm được chính xác số lượng lao động. Chính sự bất cập trong phân cấp quản lý lao động nói trên đã dẫn đến tình trạng nhiều DN phớt lờ việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động và khi chủ DN “mất tích” thì coi như việc đã rồi. Các cơ quan chức năng quận, huyện dù có biết cũng không thể can thiệp vì không đủ thẩm quyền. Người gánh chịu thiệt thòi không ai khác là CN. Chính sự bất cập này đã “cột chân, trói tay” quận, huyện nếu muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của CN. Về phía chính quyền địa phương, ngoài chỉ đạo niêm phong tài sản DN, họ không còn biện pháp nào khác hơn để xử lý tài sản chi trả quyền lợi CN bởi lúc này thẩm quyền thuộc về tòa án.
Một cán bộ phòng LĐ-TB-XH ở quận ngoại thành bức xúc: “Ngoài việc ghi nhận ý kiến công nhân và kiến nghị cấp trên chỉ đạo giải quyết, chúng tôi không thể làm gì hơn bởi không có thẩm quyền”.
Theo Tạp chí BHXH
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...