Tăng hỗ trợ đầu tư phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên

20/08/2010 03:32 PM


Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi một số nội dung về chính sách hỗ trợ đầu tư đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức tham gia Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (quy định tại Quyết định số 166/2007/QĐ-TTg ngày 30/10/2007). Theo đó, các mức hỗ trợ sẽ được tăng lên đáng kể.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi một số nội dung về chính sách hỗ trợ đầu tư đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn và các tổ chức tham gia Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (quy định tại Quyết định số 166/2007/QĐ-TTg ngày 30/10/2007). Theo đó, các mức hỗ trợ sẽ được tăng lên đáng kể.

 

Cán bộ Dự án FLITCH hướng dẫn bà con chăm sóc rừng keo.

Theo Quyết định mới, chủ rừng được hỗ trợ kinh phí bằng tiền Việt Nam được quy đổi từ mức hỗ trợ tương đương Đô la Mỹ (USD) theo tỷ giá quy đổi tại thời điểm thanh toán.

Cụ thể, đối với việc bảo vệ rừng phòng hộ, mức hỗ trợ bình quân tương đương 7 USD/ha/năm (áp dụng từ năm 2007) sẽ được tăng lên là 13 USD/ha/năm. Còn đối với việc trồng rừng phòng hộ mới tập trung, mức hỗ trợ bình quân sẽ tăng từ 500 USD/ha lên 1.000 USD/ha.

Riêng đối với rừng sản xuất, mức hỗ trợ vẫn được giữ nguyên đối với các tổ chức là 400 USD/ha (trường hợp trồng rừng tập trung bằng cây mọc nhanh); đối với hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn là 500 USD/ha (đối với trồng tập trung bằng cây mọc nhanh) và 300 USD/ha (đối với trồng rừng theo phương thức nông lâm kết hợp).

Tuy nhiên, trong trường hợp cải tạo vườn tạp, thay vì mức hỗ trợ chung là 70 USD/ha như quy định cũ, Quyết định mới quy định cụ thể mức hỗ trợ theo diện tích vườn và đối tượng hỗ trợ tính theo hộ gia đình. Cụ thể, mức hỗ trợ bình quân đối với hộ có diện tích vườn dưới 500 m2/hộ là 50 USD/hộ; đối với hộ có diện tích vườn lớn hơn 500 m2/hộ là 100 USD/hộ.

Đầu tư gần 84 triệu USD phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên

Dự án Phát triển lâm nghiệp để cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (Dự án FLITCH) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2006 theo Quyết định 813/QĐ-TTg để cải thiện đời sống đồng bào Tây Nguyên, với mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đói của các hộ dân sống dựa vào rừng, tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng đặc biệt cho cộng đồng và hộ dân cư, phát triển trồng rừng có năng suất cao, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và các hoạt động lâm sinh khác nhằm tăng khả năng cung cấp gỗ, lâm sản, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời dự án cũng góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu về kết cấu hạ tầng như đường giao thông, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học, công trình thuỷ lợi nhỏ và nhà văn hoá công cộng của các tỉnh ở Tây Nguyên, cải thiện sinh kế cho người dân sống dựa vào rừng.

Phạm vi dự án gồm 60 xã thuộc 22 huyện của 6 tỉnh là KonTum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên và Lâm Đồng.

Đây là một dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư gần 84 triệu USD. Thời gian thực hiện dự án là 8 năm (2006-2014).

Có thể nói đây là một dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện, từ quy hoạch, giao khoán rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác chế biến đến phát triển nông-lâm nghiệp kết hợp, phát triển hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái… Việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng vừa kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch, quản lý chung của Nhà nước với phát huy tính dân chủ sáng tạo của người dân, tính tự quản của cộng đồng dân cư theo các quy ước mang tính truyền thống của nông thôn Việt Nam; kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và lợi ích các hộ dân tham gia dự án. Việc triển khai thành công dự án FLITCH sẽ là cơ hội tạo nên một xã hội nghề rừng, mà cái đích là phát triển rừng bền vững và nâng cao đời sống của người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Theo Chinhphu.vn