Tiếp tục đổi mới trong đào tạo nhân lực ngành Du lịch
18/08/2010 01:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sử dụng chung các tài liệu về du lịch tiên tiến của quốc tế (đã được chuẩn hóa ở Việt Nam); xác định rõ chuẩn và trình độ của giáo viên; thực hiện cơ chế học sinh đánh giá giáo viên tại các trường đào tạo du lịch… là những gợi mở cho việc tiếp tục đổi mới trong đào tạo nhân lực ngành Du lịch.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gợi mở một số một số nét chính cho công tác đào tạo nhân lực về du lịch. Ảnh: Chinhphu.vn
Đây là hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng đào tạo nhân lực của ngành Du lịch trong giai đoạn hiện nay, qua đó đề ra mục tiêu và giải pháp đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng cho biết, sau 30 tháng, kể từ Hội thảo quốc gia lần thứ nhất tổ chức tại TP Hồ Chí Minh (ngày 7/3/2008), công tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó đóng góp nhiều vào sự phát triển của chính ngành Du lịch. Công tác đào tạo mới đã được cải thiện, quy mô đào tạo tăng, chất lượng đào tạo có tiến bộ, mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch được tăng cường.
Một trong những nguyên nhân của thành công nêu trên là việc thông tin tuyên truyền được cải thiện đã giúp các nhà quản lý và nhân dân thấy rõ hơn vai trò và trách nhiệm trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch, nhất là của cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động.
Đội ngũ giảng viên, giáo viên đào tạo đã thường xuyên cập nhật kiến thức mới từ quốc tế. Nhu cầu đào tạo tăng rất nhanh do có nhiều dự án phát triển du lịch trên toàn quốc. Đặc biệt, công tác định hướng và sự chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội chính là điểm tạo nên sự khác biệt so với thời gian trước đây.
Cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch (62 trường đại học, 80 cao đẳng, 117 trường trung cấp, 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm, đào tạo chuyên ngành du lịch. Tổng số giáo viên và giảng viên đủ điều kiện giảng dạy trong lĩnh vực đào tạo du lịch là 2.000 người. Hiện nay cả nước đã có 350.000 người làm việc thường xuyên trong ngành Du lịch, phục vụ hàng năm trên 5 triệu lượt khách du lịch.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, sau hơn 2 năm qua, chất lượng và quy mô đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, của người lao động và xã hội.
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đạo tạo nhân lực cho ngành, Phó Thủ tướng đề nghị các trường và cơ sở đào tạo trong thời gian tới nên sử dụng chung các tài liệu và giáo trình du lịch tiên tiến của quốc tế (đã được chuẩn hóa ở Việt Nam), đồng thời xác định rõ chuẩn và trình độ của giáo viên. Bên cạnh đó cần tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng tầm trình độ theo yêu cầu của các mô hình đào tạo đổi mới. Cần thực hiện cơ chế học sinh đánh giá giáo viên tại các trường đào tạo du lịch, coi đây là động lực để giáo viên tự trau dồi kiến thức và nâng cao trình độ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm gian trưng bày của mọt cơ sở đào tạo về du lịch. Ảnh: Chinhphu.vn
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống văn hóa ẩm thực nổi tiếng thế giới, vì vậy, Bộ VHTTDL sớm tổ chức thực hiện chương trình chuẩn hóa đối với đội ngũ đầu bếp người Việt Nam đang làm việc ở các khách sạn lớn và trong toàn ngành. Từ đó, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, phấn đấu để những đầu bếp giỏi được xếp hạng và được tôn vinh với danh hiệu: "Đầu bếp Giỏi cấp quốc gia”.
Phó Thủ tướng cũng giao Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhiệm vụ xây dựng trang web có nội dung về đào tạo và nhu cầu nhân lực về du lịch nhằm tạo sự kết nối hiệu quả giữa các đơn vị trong ngành Du lịch.
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...