Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện

28/09/2023 08:21 AM


Sáng 27/9, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu có buổi làm việc với đoàn chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình triển khai thực hiện chương trình Hỗ trợ kỹ thuật: Mở rộng diện bao phủ và hiệu quả thực hiện BHXH tự nguyện cho BHXH Việt Nam tính đến tháng 9/2023. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại Việt Nam những năm gần đây đã đạt được kết quả vượt bậc. Tuy nhiên, để hướng tới bao phủ BHXH toàn dân cũng như hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó bao gồm cả những chương trình hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế.

Buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình triển khai chương trình hỗ trợ mở rộng BHXH tự nguyện

Theo đại diện WB, Dự án hỗ trợ kỹ thuật: Mở rộng diện bao phủ và hiệu quả thực hiện BHXH tự nguyện cho BHXH Việt Nam đã được khởi động gần 1 năm qua. Trong thời gian này, WB đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhằm có cái nhìn tổng quát và hướng phát triển BHXH tự nguyện hiệu quả trong tương lai. Đến thời điểm hiện tại, có thể đánh giá phát triển BHXH tự nguyện là một mục tiêu quan trọng tại Việt Nam, điều này thể hiện rất rõ thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Đại diện WB cho rằng, mặc dù trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này có đề cập đến vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới đều cho thấy, việc mở rộng BHXH bắt buộc không có khả năng hiệu quả cao, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có số lượng NLĐ phi chính thức rất cao. “Theo phân tích gần đây của WB trong việc chính thức hóa việc làm cho NLĐ không có nhiều sự cải thiện. Vì vậy, rõ ràng việc mở rộng BHXH tự nguyện đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện an sinh xã hội tại Việt Nam và hoàn thành Nghị quyết số 28-NQ/TW”- đại diện WB nhận định.

Đề cập tới một trong những kinh nghiệm trên thế giới để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện thành công là nâng mức hỗ trợ từ Chính phủ, các chuyên gia WB cho biết, đơn vị đang đồng hành với Bộ LĐ-TB&XH trong việc tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các chế độ hay điều chỉnh liên quan tới mức hỗ trợ. Theo đó, với kinh nghiệm của các nước thì việc chia tỉ lệ GDP để hỗ trợ cho NLĐ bao nhiêu thì đây cũng là căn cứ để Bộ LĐ-TB&XH trình Bộ Tài chính về vấn đề này. 

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu hát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đại diện WB cũng đã trình bày về kết quả cuộc khảo sát trực tiếp vào tháng 5/2023 để hiểu rõ hơn về thiết kế, triển khai và các biện pháp khuyến khích nhằm cải thiện BHXH tự nguyện. Theo đó, một cuộc khảo sát với 900 người tại 3 tỉnh gồm: Thái Nguyên, Nghệ An, Long An đã thu thập thông tin chi tiết từ ba nhóm người trả lời (nhóm đang tham gia, nhóm ngừng tham gia và nhóm tiềm năng, tức là những người đã tham dự cuộc truyền thông nhưng chưa tham gia).

Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm tìm hiểu nhận thức của người trả lời về những thay đổi đối với BHXH tự nguyện đang được xem xét trong lần sửa đổi Luật BHXH sắp tới, đặc biệt là: Giới thiệu chế độ thai sản; tăng mức trợ cấp của nhà nước; các đại lý tiềm năng để có thể tham gia mạng lưới của BHXH; tính hấp dẫn liên quan đến thiết kế của chương trình BHXH tự nguyện. Độ tuổi trung bình của người trả lời là  37 và 58% người được hỏi ở khu vực thành thị; 42% ở nông thôn…

Kết quả khảo sát cho thấy, nhận thức chung về chương trình BHXH tự nguyện của người được khảo sát rất cao. Chỉ có 15% số người được hỏi cho biết họ không biết về chương trình tự nguyện, hầu hết đều là những người có tham gia tiềm năng. Nhận thức về chương trình chủ yếu thông qua truyền miệng- từ các thành viên hiện tại và bạn bè/gia đình. Trong đó, Tivi và mạng xã hội phổ biến hơn so với loa phóng thanh, đài phát thanh hoặc báo chí.

Các chuyên gia WB đưa ra khuyến nghị để mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện

Đặc biệt, nếu Chính phủ hỗ trợ mức đóng thêm từ 10-15% thì có hơn một nửa (58%) số người trả lời sẽ tiếp tục tham gia đóng; 64% trong số đó cho biết họ sẽ tiếp tục trả tiền trong 20 năm nếu chính phủ có chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng khi đến tuổi 60; 57% số người được hỏi cho biết họ sẽ tìm kiếm các nguồn thay thế để đáp ứng nhu cầu chi tiêu thay vì rút tiền khoản đóng vào quỹ BHXH…

Từ kết quả trên, WB khuyến nghị, BHXH Việt Nam nên thực hiện các cuộc thảo luận nhóm tập trung và các cuộc khảo sát ngắn tương tự, để liên tục đánh giá nhu cầu và nguyện vọng của các nhóm đối tượng. Trước những thay đổi trong luật BHXH sắp tới, cần đưa ra kế hoạch Đánh giá tác động để phân tích khách quan những thay đổi nào có tác động và mức độ tác động. Bên cạnh đó, nên hợp tác với các viện nghiên cứu/đơn vị tư nhân để thực hiện các cuộc thảo luận nhóm tập trung và các khảo sát ngắn tương tự để liên tục đánh giá nhu cầu và nguyện vọng của các nhóm mục tiêu…

Cũng tại buổi làm việc, WB đã đưa ra những đánh giá và khuyến nghị về quy trình triển khai chương trình BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Cụ thể, WB khuyến nghị, BHXH Việt Nam cần đổi mới các chiến lược truyền thông để trở nên thân thiện với người dân và tận dụng nhiều hơn các kênh mạng xã hội; xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp với độ tuổi/giới tính/khu vực địa lý/địa vị; khai thác hiệu quả chi phí thời gian của nhân viên đại lý và áp dụng phương tiện kỹ thuật số để giảm chi phí cũng như giúp các thành viên tham gia dễ dàng hơn.

Đồng thời, giới thiệu các ưu đãi để khuyến khích các công cụ kỹ thuật số đóng góp và rút tiền trợ cấp; khuyến khích tải ứng dụng BHXH số (cùng với các ưu đãi); bổ sung các chỉ số giám sát và đánh giá trong bảng điều khiển CNTT của chương trình BHXH tự nguyện; tăng trợ cấp mức đóng, rút ngắn thời gian đóng tối thiểu và bổ sung trợ cấp thai sản; thường xuyên tập huấn các nhân viên đại lý để họ biết cách thuyết phục mọi người và giải thích những thay đổi trong chương trình; xem xét một thiết kế trợ cấp thay đổi không chỉ theo tình trạng nghèo mà còn theo mức tiết kiệm…

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu gửi lời cảm ơn tới WB đã đưa ra những ý kiến hỗ trợ mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc cho rằng, cần phải phân tích chuyên sâu và mở rộng hơn nữa để có tính thực tế và thuyết phục cao hơn.  Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị, các đơn vị của BHXH Việt Nam đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với WB để việc phối hợp giữa hai bên thời gian tới đạt được hiệu quả tốt hơn.

Theo Thanh Hằng (Tapchibaohiemxahoi.gov.vn)