Tổ công tác của Thủ tướng đôn đốc các Bộ nợ đọng nhiều nhiệm vụ
04/10/2019 07:36 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra, Tổ công tác của Thủ tướng đã có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả hoạt động của Tổ công tác tháng 9 năm 2019.
Theo đó, trong 9 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 9.292 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 4.427 nhiệm vụ đã hoàn thành, 4.668 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 215 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,31%, tăng 0,1% so với tháng trước).
Về thực hiện Chương trình công tác, trong 9 tháng, có 334 đề án phải trình. Hiện, còn 72 đề án chưa trình, chiếm 21%.
Ngày 26/ 9, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để rà soát, đôn đốc thực hiện 16 nhiệm vụ nợ đọng, 07 đề án trong chương trình công tác tháng 9 và 24 đề án trong chương trình công tác quý IV/2019. Tại buổi làm việc, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã rất cầu thị và thẳng thắn nêu cụ thể nguyên nhân (chủ quan, khách quan) của việc nợ đọng để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ. Đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, đề án nợ đọng và chương trình công tác tháng 9.
“Hiện, Tổ công tác đang rà soát tình hình thực hiện các nhiệm vụ giao của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết.
Tổ công tác Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo thực hiện Chương trình công tác bảo đảm chất lượng và tiến độ. Các Bộ nợ đọng nhiều phải có báo cáo giải trình tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án nợ đọng trong Chương trình công tác, bảo đảm trình trước 10/10/2019; đồng thời bảo đảm tiến độ trình các Đề án theo Chương trình công tác hàng tháng, quý, năm 2019.
Đồng thời, giao Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình công tác và trực tiếp làm việc với các Bộ nợ đọng nhiều đề án và chậm triển khai các nhiệm vụ giao. Cấp bách phòng chống gian lận xuất xứ
Trong tháng 9, Tổ công tác đã làm việc với 08 Hiệp hội doanh nghiệp (Thép Việt Nam, Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, Da-giày-túi xách Việt Nam, Dệt may, Giấy và Bột giấy, Gỗ và chế biến lâm sản, Nhựa Việt Nam, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) để nắm bắt tình hình về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Qua kết quả làm việc với các Hiệp hội cho thấy, các quy định hiện hành liên quan đến xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo, bất cập như: Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định các nội dung bắt buộc về ghi nhãn song Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ và Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 3 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương không có quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước mà chỉ quy định quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, việc quy định về tính giá trị của nguyên liệu trong giá trị hàng hóa xuất khẩu để cấp xuất xứ đối với một số mặt hàng chưa chặt chẽ; quy định về xuất xứ hàng hóa chưa cụ thể, chưa bao quát được các loại hàng hóa; số lượng C/O được cấp lớn, trong khi cán bộ thực hiện cấp mỏng, hầu như không kiểm tra thực tế được.
Việc cấp C/O rất dễ theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng hiện nay cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nên cần thay đổi về phương thức thực hiện, cần chặt chẽ và thực chất hơn; việc cấp C/O điện tử còn bất cập do hệ thống điện tử hiện nay chưa đồng bộ và ổn định, dẫn đến quá trình khai báo thường xuyên bị trục trặc, gây khó khăn cho doanh nghiệp...
Ngay sau buổi làm việc với các Hiệp hội, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ, trình trước ngày 19 tháng 9 năm 2019 để tiếp tục khẳng định quan điểm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và phòng tránh nguy cơ bị các quốc gia áp dụng các biện pháp bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền các doanh nghiệp tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, đồng thời phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với các ngành hàng theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 về việc phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Tổ công tác tiếp tục nắm bắt tình hình liên quan đến việc cấp C/O, gian lận xuất xứ hàng hóa, trên cơ sở đó sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể các Bộ, cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm giao về nội dung này và sẽ báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Theo Chinhphu.vn
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...
Gia Lai: Hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối ...
Nhân lên niềm vui khi được tăng lương hưu và trợ ...