Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2019
03/10/2019 07:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT; người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi; quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm; miễn lệ phí cấp, đổi thẻ căn cước công dân cho một số đối tượng... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2019.
Quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 14/08/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. Nghị định này quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư BT
Nghị định 69/2019/NĐ-CP ngày 15/08/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (Dự án BT) có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
Quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Nghị định 70/2019/NĐ-CP ngày 23/08/2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 10/10/2019.
Trong đó, thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 6 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018.
Phạt đến 200 triệu đồng đối với vi phạm hành chính lĩnh vực hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp
Theo Nghị định số 71/2019/NĐ-CP ngày 30/08/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/10/2019, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50 triệu đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100 triệu đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Người huyện nghèo đi xuất khẩu lao động được vay 100% vốn ưu đãi
Ngày 9/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020, mức vốn vay tối đa bằng 100% chi phí người lao động đóng theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã ký với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp theo quy định pháp luật. Người lao động được vay vốn theo quy định nêu trên mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
Về lãi suất cho vay, người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; người lao động khác tại huyện nghèo được vay bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% so với lãi suất vay vốn quy định nêu trên.
Miễn lệ phí cấp, đổi thẻ căn cước công dân cho một số đối tượng
Thông tư số 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân có hiệu lực từ 16/10/2019, các trường hợp được miễn lệ phí cấp căn cước công dân, bao gồm: Một là, đổi thẻ căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính.
Hai là, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân là bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Ba là, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.
Theo Thông tư, các trường hợp không phải nộp lệ phí gồm: 1. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu; 2. Đổi thẻ căn cước công dân theo quy định tại Điều 21 và điểm a khoản 3 Điều 32 Luật căn cước công dân; 3. Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng
Từ ngày 01/10/2019, việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2019/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
Quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm
Theo Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày từ ngày 16/10/2019, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt buộc phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh. Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm
Theo Thông tư 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm có hiệu lực từ ngày 16/10/2019, sử dụng phụ gia thực phẩm phải đảm bảo: phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn.Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm khi không thể đạt được bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế, công nghệ...
Quy định tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Sở GDĐT
Thông tư số 09/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2019.
Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực thi hành từ ngày 24/10/2019.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...