Khởi động dự án thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực kết nối của DNNVV
25/09/2019 07:23 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam theo Dự án LinkSME giúp gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh, gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ bản thân DN và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Lễ khởi động do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng chủ trì, cùng sự tham dự của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Giám đốc Cơ quan USAID Michael Greene và nhiều đại diện đến từ các bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương, các hiệp hội DN, các DNNVV của Việt Nam, DN nước ngoài...
Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN
Phát biểu tại lễ khởi động, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh ngày 16/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án LinkSME. Như vậy sau một năm chuẩn bị, Dự án đã chính thức được phê duyệt, là kết của của sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan, trong đó có VPCP, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, USAID cũng như của Bộ KH&ĐT.
Theo đó, Dự án LinkSME gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với quá trình nghiên cứu, cải cách theo ngành cũng như gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân DN.
Dự án góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, đơn giản hoá quy định, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đồng thời tạo ra các thay đổi cơ bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế cũng như với chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV.
Việc hỗ trợ phát triển các DNNVV của Việt Nam theo Dự án LinkSME sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy các nước có thu nhâp trung bình của Việt Nam trong những thập niên tới.
Cũng tại lễ khởi động, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh về việc năm 2019 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân doanh nghiệp và đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng xác định là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách thủ tục hành chính để góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của DN, người dân. Theo đó, phải đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua điện tử hóa, giảm mạnh giấy tờ, cắt giảm chế độ báo cáo và tăng các cuộc họp trực tuyến; kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Hệ thống thông tin họp Chính phủ điện tử và Hệ thông thông tin tham vấn chính sách.
Việt Nam đang trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Qua việc Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án LinkSME có thể thấy Chính phủ đang quyết tâm đồng hành với DN thông qua việc luôn nỗ lực cải cách thể chế, giúp DN cắt giảm chi phí tuân thủ quy định và từ đó có thêm nguồn lực dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Dự án LinkSME có kinh phí hơn 22 triệu USD
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh Dự án LinkSME rất có ý nghĩa cho khu vực tư nhân, DNNVV phát triển. Hiện nay, đóng góp của khu vực tư nhân là rất lớn trong GDP, trong giải quyết việc làm, thu ngân sách, nhưng khu vực này hiện nay đang rời rạc, năng lực còn hạn chế về thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin, khả năng liên kết các doanh nghiệp với nhau... trong khi 98% DN tại Việt Nam là DNNVV. Vì vậy nếu không tạo thành cộng đồng DN thì nền kinh tế không phát triển bền vững.
Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự án LinkSME sẽ góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên với mục tiêu đúng và sự nỗ lực để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Đây là thời điểm rất phù hợp khởi động Dự án để làm tiền đề và cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân trong thời gian tới.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink, tại Việt Nam, các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong tương lai kinh tế, đóng góp vào GDP, tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay rất ít DNNVV kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế. Vì vậy, Hoa Kỳ cam kết hợp tác với Việt Nam để giúp DNNVV thích ứng với nền kinh tế toàn cầu.
Dự án LinkSME do USAID tài trợ sẽ giúp DNNVV tại Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng hệ sinh thái DN, tạo việc làm cho cộng đồng, cải thiện đời sống và khích lệ tinh thần đổi mới kinh doanh...
Đại sứ cũng cho biết một trong ưu tiên của Hoa Kỳ là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phát triển tại Việt Nam và tin tưởng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Với kinh phí 22,1 triệu USD và được thực hiện trong 5 năm, Dự án LinkSME sẽ phối hợp với VPCP và Bộ KH&ĐT nhằm cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho DNNVV và nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN trong việc hỗ trợ phát triển DNNVV.
Bên cạnh đó, Dự án giúp kết nối các DNNVV với những DN hàng đầu sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...